Khu công nghiệp vừa đón 2 nhà máy Foxconn có gì đặc biệt?

Thái Quỳnh |

Khu công nghiệp này vừa đón được 2 dự án nghìn tỷ từ Foxconn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Foxconn đã đầu tư gần 250 triệu USD vào tỉnh với hai dự án. Một là dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Hai là dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Hai dự án đều đặt tại khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai (TX Quảng Yên).

KCN Sông Khoai là KCN với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tập trung thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của các nhà đầu tư.

KCN này cách trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khoảng 38 km, có vị trí gần các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối liên vùng quan trọng của Quảng Ninh.

KCN Sông Khoai đang là nơi có 3 tuyến giao thông quan trọng đi qua hoặc được kết nối, gồm: kết nối với Thuỷ Nguyên – Trung tâm hành chính mới của Hải Phòng thông qua Cầu Bến Rừng (2,5km); kết nối với Cảng Đình Vũ thông qua tuyến đường ven sông kết nối nút giao Đầm Nhà Mạc (4,2km), rút ngắn khoảng cách và thời gian tới cảng 20km và 20 phút di chuyển; kết nối với Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thông qua tuyến đường tốc độ cao 10 làn thuộc dự án nút giao Hạ Long Xanh.

KCN Sông Khoai còn gần Cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng nước sâu Cái Lân, gần Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và cả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đến các điểm trọng điểm trong và ngoài nước được thuận lợi hơn. Còn với đường sắt, KCN này cách ga Uông Bí (Uông Bí) khoảng 10 km.

Khu công nghiệp vừa đón 2 nhà máy Foxconn có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Hiện nay, KCN Sông Khoai có 5 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, có 2 dự án sản xuất với tổng vốn hơn 865 triệu USD đều là của nhà đầu tư Jinko Solar. Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư 365,6 triệu USD. Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, dự kiến trong quý II/2023 sẽ đưa vào vận hành. Nhà đầu tư này còn đang triển khai các thủ tục để cấp phép xây dựng dự án Kho Jinko Solar Việt Nam.

Trong quý 1/2023, KCN này cũng đã đón thêm 2 dự án thứ cấp mới trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô. Cụ thể là dự án xuất túi khí ô tô của Công ty TNHH Autoliv Asia ROH (Thụy Điển), có tổng vốn đầu tư đăng ký 154 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất dây đai an toàn ô tô của Công ty TNHH Samsong Vina tổng vốn đầu tư đăng ký 10,3 triệu USD.

Theo Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, hiện đã có 10 nhà đầu tư đang nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư vào KCN Sông Khoai trong năm nay, với tổng diện tích thuê đất là gần 100 ha. Dự kiến, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN này của cả năm 2023 có thể đạt gần 1 tỷ USD, đưa tổng số dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai lên 15 dự án với tổng vốn đạt khoảng 2,6 tỷ USD.

Năm 2018, Tập đoàn Amata đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Sông Khoai, hay còn gọi là KCN Amata Hạ Long. Với tổng diện tích là 714 ha (470ha đất công nghiệp), KCN Sông Khoai được đầu tư theo 5 giai đoạn, có tổng mức đầu tư là 155 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại