Không xử lý hình sự em trai Phạm Công Danh để đảm bảo tính nhân đạo?

Bảo Minh |

VKSND Tối cao cho rằng cơ quan điều tra áp dụng Điều 7, BLHS 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, không xem xét xử lý hình sự đối với Phạm Công Trung.

Trong nội dung bổ sung tài liệu gửi TAND TP HCM liên quan đến đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, VKSND Tối cao cho rằng ông Phạm Công Trung (em trai ông Danh) có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Danh trong việc gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 6.126 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Viện KSND Tối cao, Cơ quan điều tra không đề nghị truy tố ông Phạm Công Trung nên đơn vị này đang xem xét.

Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Trung nguyên là Phó Tổng giám đốc VNCB; Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, xây dựng, thương mại Việt Trung (gọi tắt Công ty Việt Trung).

Kết quả điều tra bổ sung có căn cứ xác định ông Trung giao hồ sơ pháp nhân của Công ty Việt Trung cho bị can Mai Hữu Khương để chuyển cho cấp dưới lập hợp đồng mua vật liệu xây dựng. Sau đó Trung chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cháu ruột của Trung, phó giám đốc công ty Việt Trung) ký khống hợp đồng mua bán khống vật liệu với một công ty khác, trị giá hợp đồng trên 24 tỷ đồng.

Phạm Công Danh đã thông qua hợp đồng này  chỉ đạo các đồng phạm đưa hợp đồng này vào hồ sơ của Công ty Nhất Nhất Vinh (một công ty "sân sau" của Danh) để vay 330 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV với tài sản đảm bảo khoản vay là tiền của VNCB được gửi tại BIDV.

Quá trình điều tra xác định,  Công ty Nhất Nhất Vinh chỉ trả được gần 135 tỷ đồng cho BIDV. Phần tiền hơn 215 tỷ đồng còn lại ông ty này không có khả năng chi trả nên khi BIDV siết nợ, VNCB phải gánh nợ dẫn đến thiệt hại hơn 215 tỷ đồng.

Không xử lý hình sự em trai Phạm Công Danh để đảm bảo tính nhân đạo? - Ảnh 1.

Ông Phạm Công Trung trong một lần được triệu tập tới phiên xử anh trai.

Ngoài ra, Phạm Công Trung thừa nhận đưa một số người đến Sở Kế hoạch Đầu Tư làm thủ tục thành lập công ty và lấy thông tin các dự án theo chỉ đạo của Phạm Công Danh. Hành vi này của ông Trung được VKSND Tối cao cho là hành động giúp sức, đồng phạm với ông Phạm Công Danh trong khoản vay tại BIDV.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng cơ quan điều tra lại áp dụng Điều 7, BLHS 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự đối với Phạm Công Trung. 

Do cơ quan điều tra, không đề nghị truy tố VKSND Tối cao đang tiếp tục xem xét, đánh giá hành vi, áp dụng pháp luật khi có đủ căn cứ sẽ đề nghị xử lý sau.

Đồng thời, VKSND Tối cao cho rằng trong quá trình điều tra, xét xử công khai tại phiên tòa nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của Phạm Công Danh thì HĐXX sẽ xử theo quy định của pháp luật

Trước đó, ngày 22/6, TAND TP HCM đã nhận được tài liệu bổ sung và hồ sơ vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 ,chuẩn bị mở phiên tòa xét xử vụ án vào tháng 7/2018.

Theo cáo trạng thể hiện, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) và các đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB bảo lãnh cho các công ty do ông Danh thành lập để vay tiền từ Sacombank, TP Bank và BIDV.

Ông Danh đã dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng Sacombank, TP Bank và BIDV trên để bảo lãnh, cầm cố các khoản vay. Sau đó, 3 ngân hàng thu hồi nợ từ số tiền gửi lên tới hơn 6.126 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại cho VNCB. Trong đó, Sacombank thu hơn 1.835 tỷ đồng, TP Bank thu hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV thu hơn 2.550 tỷ đồng.

Không xử lý hình sự em trai Phạm Công Danh để đảm bảo tính nhân đạo? - Ảnh 3.

VKSND Tối cáo giữ nguyên quan điểm truy tố Trầm Bê.

Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, tháng 2/2017, HĐXX TAND TP HCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và chuyển kết luận cho VKS để hoàn tất cáo trạng.

Sau quá trình điều tra và điều tra bổ sung, VKSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.

Vì vậy, VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố đối với 46 bị cáo và đề nghị TAND TP HCM tiếp tục đưa Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng VN - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng NH TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng đồng phạm ra xét xử sơ thẩm lần 2 về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian

1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.

2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại