Google đầu tư 1 tỷ USD tại Thái Lan
Theo AFP, Google có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Thái Lan, bao gồm một trung tâm dữ liệu mới.
Google cho biết các trung tâm mới tại Bangkok và khu công nghiệp Chonburi nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán đám mây ở Đông Nam Á.
Khoản đầu tư của Google diễn ra sau khi Microsoft hồi tháng 5 công bố sẽ thành lập trung tâm dữ liệu đầu tiên của Thái Lan để thúc đẩy cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Việc mở rộng hoạt động của Goolge tại Thái Lan được dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 4 tỷ USD vào năm 2029 và hỗ trợ 14.000 việc làm từ năm 2025 đến năm 2029.
Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, nhưng lĩnh vực công nghệ vẫn tụt hậu so với Singapore và Indonesia. Nền kinh tế Thái Lan, vốn lâu nay tập trung vào sản xuất truyền thống, nông nghiệp và du lịch, đã phải vật lộn để phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ hy vọng khoản đầu tư từ Google, Microsoft và các công ty tương tự sẽ đa dạng hóa và hiện đại hóa nền kinh tế của đất nước.
Động thái nói trên đánh dấu sự tăng tốc mở rộng của Google tại Châu Á, đưa trí tuệ nhân tạo vào trọng tâm trong nỗ lực vươn ra quốc tế vào thời điểm công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Microsoft.
Trước đó hồi tháng 8, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Google cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam, trở thành khoản đầu tư đầu tiên tại đây.
Nguồn tin cho hay Google cân nhắc việc thiết lập một trung tâm dữ liệu "siêu lớn" gần Thành phố Hồ Chí Minh. Khoản đầu tư này được đánh giá sẽ là cú hích cho Việt Nam. Người phát ngôn của Google khi đó đã từ chối bình luận về thông tin.
Các trung tâm dữ liệu siêu lớn có mức tiêu thụ điện năng thường tương đương với một thành phố lớn.
Theo ước tính dựa trên dữ liệu do công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle công bố, một trung tâm dữ liệu siêu lớn với công suất tiêu thụ điện 50 megawatt (MW) có thể có chi phí từ 300 triệu đến 650 triệu USD.
Nguồn tin cho biết động thái của Google xuất phát từ số lượng lớn khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng như nền kinh tế số đang phát triển, đồng thời lưu ý rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của YouTube.
Đầu tư phụ thuộc nhiều yếu tố
Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 5, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Thành Trung từng đánh giá, việc nhà đầu tư quyết định chọn đầu tư ở quốc gia khác dù trước đó đến Việt Nam là "chuyện bình thường".
"Việt Nam rất cố gắng để vận động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này", ông Trung nói. Tuy nhiên, nhà đầu tư đến Việt Nam và rót tiền vào Việt Nam hay quốc gia khác là chuyện bình thường. Bởi họ sẽ lựa chọn đầu tư vào nhiều quốc gia khác nhau, không riêng Việt Nam. "Quyết định cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan".
Thứ trưởng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm tới tình hình địa chính trị - kinh tế của thế giới và Việt Nam, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng giữa các quốc gia, chiến lược phát triển, địa bàn, nguồn lực của chính họ.
Ông cũng nói rằng Việt Nam đang tập trung cải thiện các yếu tố về chính sách, đặc biệt với ngành bán dẫn, chip để có cơ chế đặc thù hơn. Ngoài ra, lựa chọn còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Hiện tại, Google đang tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam khi trong quá trình mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và tuyển dụng hàng chục kỹ sư, chuyên gia tiếp thị và nhiều chuyên gia khác.
"Chúng tôi hiện có một đội ngũ tại chỗ để phục vụ tốt hơn cho khách hàng quảng cáo tại Việt Nam và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của quốc gia này", người phát ngôn của Google chia sẻ với Reuters.
Google cũng đang cung cấp 40.000 suất học bổng tại Việt Nam cho các khóa học AI cơ bản và 350.000 USD cho mỗi suất học bổng cho 20 công ty khởi nghiệp AI được chọn, Giám đốc điều hành Google Việt Nam Marc Woo cho biết trên LinkedIn vào tháng trước.
Công ty đã có mạng lưới nhà cung cấp lớn tại Việt Nam lắp ráp các sản phẩm của mình, bao gồm cả điện thoại thông minh Pixel.
Trên khắp khu vực, nhiều quốc gia đang vận động thu hút nguồn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị.
Tuần trước, SpaceX, công ty của tỉ phú Elon Musk, tuyên bố có dự định đầu tư 1,5 tỉ USD khi nhận thấy tiềm năng của thị trường Internet vệ tinh ở Việt Nam.