Tháng 7, 8 là mùa của một lớp sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Đây cũng là thời gian mà chuyện đi tìm việc làm trở nên cấp thiết và nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả trong năm.
Một câu hỏi rất kinh điển đó là "nên chờ bao lâu hoặc làm gì nếu nhà tuyển dụng không phản hồi CV hay sau buổi phỏng vấn?" lại được dấy lên từ một đoạn confession chia sẻ trên fanpage có nhiều người theo dõi.
Confession có nội dung như sau :
"Tôi không gửi mail vì... tôi bận quá nên quên"- 1 lời biện hộ xấu xí cho sự xuống cấp chuẩn mực văn hoá và đạo đức nghề nghiệp ngành tuyển dụng Việt Nam.
Nhà tuyển dụng xấu tính mà lúc nào cũng thích tỏ vẻ đáng thương nhỉ?. Mình tin rằng không phải riêng mỗi mình mà bất kì ai rồi có lẽ cũng trải qua sự cay đắng muôn phần rằng: Đi xin việc nhưng mãi chả thấy nhà tuyển dụng (NTD) hồi đáp. 1 tuần, 2 tuần. 1 tháng rồi 2 tháng... Rồi bặt vô âm tín như thể ta chưa từng tồn tại cùng nhau.
Mình từng hỏi khá nhiều NTD, tựu chung lại thì có 3 lý do chính đáng mà họ đưa ra như thế này.
1. Một Campaign tuyển của họ thường kéo dài 1 - 2 tháng, mỗi lần như thế tuyển rất nhiều người. Bạn gửi CV đến NTD rồi nhưng họ vẫn còn phải đợi các ứng viên khác gửi CV về để rồi cân đo đong đếm nên chọn ai.
2. Họ phải chờ cấp trên duyệt.
3. Nhiều việc quá nên quên.
Trên đó là lý do tại sao trả lời lâu. Nhưng còn lý do tại sao họ ko trả lời mail? Thì mình vẫn chẳng thể hiểu nổi. Sinh viên chúng ta ai may thì được họ rep sớm, ai không may mắn thì 3 tháng sau tìm được việc mới rồi họ mới reply mail trúng tuyển. Đời lắm điều hài hước.
Tự khi nào mà việc bắt người khác phải lãng phí thời gian đợi mình, 1 hành động ích kỉ bị coi thành ''tạm chấp nhận được''?
Tự khi nào mà việc làm sai lại muốn người khác coi là đúng?
Tự khi nào mà việc không reply mail vẫn được châm chước để các ngài tự xưng mình là chuyên nghiệp?
Tự khi nào mà việc sinh viên phàn nàn về hành động thiếu chuyên nghiệp này lại các ngài cho là không đáng thương bằng hoàn cảnh của các ngài?
Tự khi nào mà các ngài ép sinh viên phải thấu hiểu hoàn cảnh của mình nhưng lại không buồn mủi lòng thương hại cho hoàn cảnh sinh viên chúng tôi?
Tất nhiên không phải NTD nào cũng như thế này. Và 3 lý do trên kia còn lịch sự và có thể chấp nhận được. Nhưng điều gì kinh khủng nhất, mọi người có biết không? Đó là sau những cánh cửa, nhâm nhi cùng nhau những tách cafe, các NTD tự nhủ với nhau rằng: "Bọn nó có qua đâu mà phải gửi cho mất công?".
Họ bám víu vào nhau, bám víu vào cái lệ người ta xấu thì tôi cũng có quyền xấu thôi làm xấu xí tâm trí của nhau.
Vâng, tôi đồng ý là vẫn có những NTD không hề có ý nghĩ trên. Nhưng thực ra cái suy nghĩ ấy đã ngấm sâu vào tiềm thức vào thói quen của các vị rồi nên các vị không nhận ra đấy thôi. Có thể các vị không cố ý. Người không cố ý là người không có tội! Nhưng người biết lỗi mà không sửa thì tội vô cùng lớn!
Các vị tự đầu độc chính mình về một hành vi sai lệch chuẩn mực văn hoá. Nếu sai thì sửa có lẽ vẫn tốt hơn. Phật dạy:"Đứng dậy sau khi ngã''...
Nhưng nếu các anh các chị không muốn đứng dậy thì sao? Đúng, các anh các chị hoàn toàn có quyền tiếp tục ngã, tiếp tục lao mình xuống, vả cả trở nên xấu xí nữa, bởi vì xã hội này không có tồn tại quy tắc, chuẩn mực. Quy tắc, chuẩn mực cuối cũng chỉ do con người đặt ra.
Nhưng làm ơn, các anh các chị không phải những ông vua bà chúa là những con người duy nhất sống trên trái đất này. Các anh sống trong xã hội, sống trong sự liên kết bền chặt giữa con người với nhau.
Vậy nên các anh các chị có muốn xấu thì làm ơn cũng đừng làm gì ảnh hưởng tới chúng tôi, đừng bắt chúng tôi đợi 2 tháng vì các anh đã tìm được người thích hợp. Ích kỉ lắm!
Thế đấy. "
Nhiều bình luận đồng tình với quan điểm trên confession (Ảnh chụp màn hình)
Đây là một vấn đề không mới, nhưng việc một confession bày tỏ ý kiến một cách chi tiết và thẳng thắn đã nhận được nhiều sự đồng cảm và nói lên nỗi lòng của nhiều người khi đi tìm việc làm, đặc biệt là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.
Mặc dù đây là ý kiến cá nhân nhưng không ít người khi đọc sẽ nhìn thấy mình trong các hoàn cảnh tương tự. Một quy trình xin việc thường có ba bước chính như: nhận và xét duyệt CV của ứng viên, thông báo đến ứng viên đạt yêu cầu để tham dự buổi phỏng vấn và cuối cùng là trả lời kết quả ứng tuyển.
Có thể thấy các bước của quá trình là riêng biệt, bước sau là kết quả chính thức của bước trước do đó các ứng viên khi ứng tuyển đều rất mong chờ hồi âm theo từng bước này của nhà tuyển dụng.
Nhưng trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng chỉ nhận CV của ứng viên mà không có bất cứ một phản hồi nào, ngay cả khi ứng viên được chọn và tham dự vòng phỏng vấn nhưng cũng không hề nhận được một lời hồi âm kết quả.
Điều này rõ ràng sẽ khiến ứng viên phải mòn mỏi chờ đợi, thất vọng và thậm chí còn bỏ lỡ những cơ hội khác.
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc không trả lời kết quả của mình.
Có thể là có quá nhiều CV gửi đến khiến họ không thể trả lời tất cả, tuy nhiên việc này có thể được giải quyết một cách khôn ngoan bằng dòng chữ "những CV không phù hợp chúng tôi sẽ không liên hệ lại" trong tin tuyển dụng.
Hoặc có thể là nhân viên tuyển dụng bị ốm dài ngày, sếp đi công tác nước ngoài nên chưa duyệt được nhân sự. Hay đơn giản chỉ là "chúng tôi quên". Thậm chí không có lý do nào cả, chúng tôi không trả lời, vậy thôi.
Nói chung có hàng ngàn lý do mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra, nhưng không thể phủ nhận rằng đó là sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm công tác tuyển dụng nhân sự.
Nhiều sinh viên mới ra trường gặp những tình huống thực trớ trêu (Ảnh Internet)
Một số bình luận khác trên confession cũng bày tỏ những vấn đề mà họ gặp phải khi đi ứng tuyển:
"Nhà tuyển dụng lúc nào cũng đòi ứng viên phải có 1 cái CV đẹp 1 cái cover letter cực hay. Vậy mà khi ứng viên gửi đi rồi mà nhà tuyển dụng đến 1 cái mess để tự động trả lời cũng không có chứ đòi hỏi ứng viên cái gì. 10 chỗ thì hết 9 rồi.
Tôi đồng cảm với quan điểm của bạn bởi vì tôi cũng đang rơi vào tình trạng giống như bạn, mình cũng có thời gian, cớ chi họ bắt mình phí phạm thời gian đó, thời gian đó mình đã bỏ qua biết bao cơ hội để chỉ chờ đợi mail phản hồi lại.
Tất cả đều cho thấy các mác chuyên nghiệp được nêu ra cũng chỉ là một cách nói cho vui, cho hào nhoáng, chứ thực tế đã cho thấy họ hoàn toàn chẳng chuyên nghiệp như họ nghĩ.".
Thiết nghĩ sự thiếu chuyên nghiệp sẽ làm mất đi những cơ hội cho cả hai bên. Ứng viên thì mất thời gian, cơ hội chờ đợi.
Doanh nghiệp cũng sẽ ít nhiều mất sự tôn trọng của ứng viên đối với doanh nghiệp, nên nhớ đối với nhiều doanh nghiệp họ cũng là khách hàng - là nguồn sống của doanh nghiệp.