Mối đe dọa tấn công hạt nhân từ tàu ngầm Triều Tiên là một trong những viễn cảnh "kinh hoàng" nhất mà Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mặt.
Theo CNBC, hình ảnh các tàu ngầm của Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân không hề xa xôi như nhiều người vẫn nghĩ. Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều bước tiến trong công nghệ chế tạo vũ khí và gần đây còn tỏ ra sẵn sàng sử dụng tàu ngầm của mình cho các hoạt động quân sự.
Thêm vào đó, Mỹ lại điều tàu sân bay USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, một hành động chắc chắn không khiến Bình Nhưỡng hài lòng.
"Nếu Mỹ dám dùng tới biện pháp quân sự, Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ dạng thức chiến tranh nào mà Mỹ muốn", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA phát đi thông điệp.
Các chuyên gia cho rằng hải quân Triều Tiên hiện đang sở hữu khoảng 70 tàu ngầm, dù chỉ có khoảng 10 chiếc đủ năng lực phóng tên lửa đạn đạo (SLBM). Các nhà phân tích quân sự thì tin rằng Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân nhỏ tới mức có thể trang bị cho tên lửa tàu ngầm.
Tháng 8/2016, truyền thông Triều Tiên đã đăng tải video thử nghiệm tên lửa tàu ngầm KN-11, loại tên lửa vừa xuất hiện trong lễ diễu hành kỷ niệm 105 ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào sáng hôm qua, 15/4.
KN-11 được triển khai từ bờ Đông và bay khoảng 310 dặm về phía Nhật Bản. Khoảng cách này là một dấu mốc cho chương trình phát triển tên lửa SLBM của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia cho rằng, tên lửa đạn đạo có thể bay xa tới hơn 600 dặm.
"Vấn đề là với SLBM thì Hàn Quốc có thể bị tấn công ngay mạn sườn", cựu quan chức CIA Bruce Klingner nhận định.
Theo giải thích của Klingner, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) triển khai tại Hàn Quốc chỉ tập trung xác định các mối đe dọa từ Triều Tiên. Vì thế, tên lửa tàu ngầm có thể được phóng bên ngoài phạm vi của radar và hệ thống phòng thủ.
Tương tự, tên lửa được phóng từ tàu ngầm Triều Tiên ngoài khơi bờ biển phía Đông Nhật Bản có thể không bị hệ thống phòng thủ Patriot của Nhật phát hiện.
Ông Klingner cho biết, một số người phủ nhận mối đe dọa từ tàu ngầm của Triều Tiên với lý do: Tàu của Triều Tiên "cũ và ồn" do âm thanh phát ra từ động cơ chạy bằng diesel của tàu.
Tuy nhiên, hồi năm 2015, Hàn Quốc và Nhật Bản đã hết sức lo ngại khi các quan chức quân sự Hàn Quốc nhận thấy sự biến mất đột ngột của khoảng 50 tàu ngầm Triều Tiên.
"Chúng tôi không biết số tàu ngầm đó ở đâu vào lúc ấy", Klingner nói
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên tàu. Ảnh: Reuters.
Mặc dù quan chức Hàn Quốc đã ghi nhận "sự xuất hiện trở lại" của phần lớn số tàu ngầm nhưng vẫn không thể phát hiện được tung tích của một số tàu trong 4 ngày sau đó.
Hồi tháng 12/2016, một bức ảnh vệ tinh chụp từ phía trên nhà máy đóng tàu Sinpo South của Triền Tiên đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng tấn công từ tàu ngầm hạt nhân. Từ bức ảnh, các chuyên gia nhận định, có thể vũ khí này sắp được hạ thủy.
Cuối cùng, Triều Tiên đã không thử nghiệm hạt nhân như cộng đồng quốc tế đồn đoán vào sáng lễ kỷ niệm 15/4 nhưng theo Diplomat, những gì Triều Tiên cho thấy trong lễ duyệt binh cũng bất ngờ không kém và xứng đáng nhận được sự chú ý tương đương.