Ngụy trang lừa địch, bảo toàn lực lượng
Trong chiến tranh hiện đại, xe tăng gặp phải rất nhiều khó khăn với các loại phương tiện trinh sát hiện đại như vệ tinh, máy bay có hoặc không có người lái, các thiết bị thu tiếng động, trinh sát hồng ngoại, ảnh nhiệt,...
Chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị địch phát hiện trên đường hành quân hoặc lộ vị trí trú đóng, xe tăng có thể trở thành miếng mồi ngon cho các loại máy bay săn diệt xe tăng như trực thăng, máy bay không người lái vũ trang và máy bay ném bom các loại.
Do vậy công tác ngụy trang, nghi binh lừa địch được bộ đội ta, trong đó có lực lượng xe tăng - thiết giáp hết sức chú trọng. Kinh nghiệm tác chiến từ thời Kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới,... đến nay vẫn còn những giá trị hết sức quý báu.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) và các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong Tổng cục đã có nhiều hướng đi mới nhằm sản xuất những loại mô hình nghi trang, phục vụ huấn luyện và chiến đấu.
Theo đó, dưới sự chủ trì trực tiếp của Giám đốc - Đại tá Nguyễn Xuân Khải, Nhà máy Z176 (Tổng cục CNQP) đã xuất sắc thực hiện thành công đề tài đưa vật liệu mới vào sản xuất lưới ngụy trang công nghệ cao và đề tài thiết kế mô hình xe tăng T-55.
Xe tăng T-55 "nghi trang" do Nhà máy Z176 nghiên cứu chế tạo và sản xuất. Ảnh: QĐND.
Với sự nhiệt của cán bộ, kỹ sư giáu kinh nghiệm, đam mê sáng tạo của Nhà máy, chẳng bao lâu sau mô hình nghi trang dành cho loại xe tăng được sử dụng phổ biến nhất trong QĐND Việt Nam đã được hoàn thành, được đánh giá rất cao.
Ngay sau đó, được sự nhất trí của trên, mô hình nghi trang xe tăng họ T đã được nhân giống hàng loạt, trang bị rộng rãi cho các đơn vị tăng, thiết giáp.
Được biết, Nhà máy Z176 đã có lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc khi mà hầu hết máy móc trang bị lạc hậu, năng suất thấp, sản phẩm làm ra có chất lượng phập phù, người lao động nhấp nhổm tìm bến đỗ mới.
Nhà máy hiện đã phát triển với 4 cơ sở sản xuất, không phải lo việc làm đến năm 2020. Ngày 09/03/2016 vừa rồi, Nhà máy vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống.
Phục kích, diệt địch - "Một" đổi lấy "hai mươi"
Ông cha ta từ xưa đã có đúc kết "1 đổi lấy 2, khoai cũng đổi", ý nói đôi khi ta phải trả giá khá đắt nhưng kết quả đạt được chắc chắn lớn hơn nhiều so với những thứ mình phải hy sinh, mất mát. Cơ mà xứng đáng, có thể chấp nhận được.
Nhưng ở đây thì ngược lại hoàn toàn. Ngụy trang, nghi binh lừa địch khéo, ta chỉ mất "một" mà đổi được những "hai mươi", thậm chí hơn thế nhiều.
Bạn hãy thử hình dung, một "Đại đội" xe tăng chừng mươi chiếc nghi trang bằng mô hình do Nhà máy Z176 sản xuất bất chợt "vô tình nhưng hữu ý" xuất hiện ở đâu đó "buộc" kẻ địch phải phát hiện ra và điều không quân ào đến tiêu diệt.
Trong khi đó, quanh khu vực "mục tiêu" ta đã bố trí sẵn một lực lượng lớn hỏa lực phòng không phục sẵn. Chắc chắn địch sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Mô hình xe tăng ngụy trang của Nga.
Đây không hoàn toàn là một kịch bản viễn tưởng, mà trên thực tế đã từng có "tiền lệ" rất đau xót với Không quân Mỹ. Số là, tháng 7/1965, Bộ đội Tên lửa của ta bất ngờ ra quân đánh thắng địch ngay từ quả đạn đầu, trong trận đánh đầu tiên.
Khi trận đánh kết thúc, hai Tiểu đoàn 63 và 64, được lệnh khẩn cấp di dời gấp 2/3 phương tiện, khí tài sang hai trận địa mới, nhường lại trận địa vừa đánh xong cho “hai tiểu đoàn khác" với tên lửa làm toàn bằng tre cót.
Tất nhiên, hình dáng, màu sơn giống hệt như các quả đạn, bệ phóng thật vừa mới rút ra. Đúng như dự đoán, ngày 27/7, đích thân Tổng thống Johnson ra lệnh cho Không quân Mỹ “đánh trả đũa, hủy diệt hai trận địa tên lửa Bắc Việt”.
Mỹ tung vào trận này 50 máy bay, trong đó có 36 chiếc cường kích F-105 trực tiếp oanh tạc. Những chiếc F-105 “Thần sấm” từ Thái Lan bay sang, chiếc nào cũng “chắc mẩm” đó là trận địa của ta.
Vì thế chúng điên cuồng trút rất nhiều bom xuống các trận địa giả. Không những không đạt được mục đích, mà chúng còn bị sập bẫy của bộ đội và dân quân ta.
Ngay từ phút đầu, các khẩu pháo phòng không và hàng trăm khẩu súng tầm thấp của ta đã đồng loạt nhả đạn. Đã có 6 máy bay F-105 của Không quân Mỹ bị bắn hạ.
Ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, để lặp lại được chiến thắng có 1 không 2 ấy là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nếu vận dụng tốt nghệ thuật ngụy trang, nghi binh, các "xe tăng" của ta có thể hút được một lượng lớn hỏa lực của địch.
"Cái giá" phải trả là 1 "xe tăng" nghi trang trị giá vài nghìn USD, đổi lấy 1 quả tên lửa chống tăng Hellfire trị giá cỡ 70.000-100.000 USD hoặc thậm chí đổi lấy một loạt bom có điều khiển chính xác trị giá hàng trăm nghìn USD. Tội gì không đổi!
Trong khi đó, xe tăng "thật" của ta có thể đang ở một hướng khác đang tiến công một mục tiêu quan trọng mà kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ không hề biết.
Dẫu rằng nói thì dễ, không có gì đảm bảo rằng sẽ lừa được những cỗ máy tinh xảo, công nghệ cao của đối phương, nhưng chí ít những mô hình nghi trang này có thể làm "nhiễu loạn" khiến kẻ địch hoang mang, dẫn tới những phán đoán sai lầm.
Đặc biệt là khi các mô hình nghi trang này được lắp hệ thống máy động lực để tự di chuyển, được lắp máy phát nhiệt (làm giả tín hiệu động cơ xe tăng) và các loại tín hiệu khác tương tự, chắn chắn chúng sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò "hình nhân thế mạng".