Hình ảnh tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga luôn xuất hiện với cột khói đen mù mịt khi hoạt động đã trở nên quá quen thuộc trên các phương tiện truyền thông.
Chính vì vậy độ tin cậy của con tàu thường xuyên bị đặt câu hỏi, đặc biệt khi thời gian nằm tại cảng để sửa chữa của nó nhiều hơn hẳn lúc làm nhiệm vụ trên đại dương. Thậm chí trong mỗi chuyến hải trình dài, Đô đốc Kuznetsov đều phải có tàu kéo cỡ lớn đi kèm nhằm đề phòng tình huống bất ngờ chết máy.
Nguyên nhân chính được đưa ra để giải thích cho thảm cánh trên là hệ thống động lực, mà cụ thể là nồi hơi của tàu quá cũ, đã bị xuống cấp nặng nề. Trong bức ảnh trên, nếu không có chú thích thì chẳng thể tin nổi biểu tượng sức mạnh của Hải quân Nga lại có "trái tim" tàn tạ đến vậy.
Toàn bộ máy móc, đường dây điện, ống dẫn, đồng hồ, sàn tàu... đều ở trong tình trạng rỉ sét nặng nề, không khác gì một con tàu phế liệu đang chờ được tháo dỡ.
Trong khi đó tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) được Trung Quốc tân trang lại từ chiếc Varyag mua phế liệu của Ukraine lại khác hẳn, ngoài lớp sơn bóng bẩy, sạch sẽ, nó không hề "trình diễn" màn phun khói mù mịt như Đô đốc Kuznetsov.
Điều này cũng dễ hiểu khi chiếc Liêu Ninh được lắp đặt hệ thống động lực mới hoàn toàn với vẻ ngoài khá hiện đại, khác xa tàu sân bay Nga.
Hệ thống ống dẫn của nồi hơi được bọc cách nhiệt cẩn thận, trông rất sạch sẽ , chính quy. Bên cạnh đó đội ngũ kỹ thuật viên luôn thực hiện tốt công tác đảm bảo để tăng độ tin cậy cho con tàu.
Các bảng điều khiển, đồng hồ hiển thị thông số trên tàu sân bay Trung Quốc khác "một trời một vực" khi so sánh với hàng không mẫu hạm của Hải quân Nga.
Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy sức mạnh Hải quân Trung Quốc nói riêng cũng như Quân đội Trung Quốc nói chung đang từng bước soán ngôi Nga để vươn lên cạnh tranh vị thế với Mỹ.