Đó là lời khẳng định của ông Dmitry Makarov, trưởng chi nhánh TP HCM của Cơ quan Đại diện Thương mại Liên bang Nga, trong cuộc họp báo hôm 16-12. Theo ông Makarov, nhóm mặt hàng bị giảm trong xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa bị áp dụng những biện pháp phòng vệ thị trường Việt Nam và không may chính các mặt hàng này lại là nhóm hàng được xuất khẩu từ Nga vào Việt Nam nhiều nhất.
Cụ thể là kim ngạch xuất khẩu thép và sản phẩm từ thép bị giảm gấp 3 lần từ 222 triệu USD xuống 66,5 triệu USD do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thị trưởng của Việt nam đối với tôn nhập khẩu. Điều này khiến thép Nga mất sức cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Ông Makarov đưa ra những lý giải trên sau khi đánh giá kết quả hợp tác kinh tế thương mại giữa Nga và Việt Nam trong năm 2019 ghi nhận sự giảm sút bất ngờ của các chỉ tiêu xuất nhập khẩu giữa hai nước, nhất là về kim ngạch xuất khẩu từ Nga vào Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Nga đạt 3,6 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu từ Nga vào Việt Nam là 828 triệu USD.
Theo ông Makarov, thị trường TP HCM và cả miền Nam được nhà xuất khẩu Nga quan tâm chủ yếu về hàng thiết bị y tế, mỹ phẩm và thực phẩm. Nga tiếp tục thực hiện những biện pháp hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các nhà xuất khẩu Nga đưa hàng của mình vào Việt Nam. Trong khi đó, tốc độ nhập khẩu từ Việt Nam vào Nga giảm một phần do sụt giảm xuất khẩu những mặt hàng truyền thống của Việt nam như điện thoại và hàng điện tử, đá quý, cà phê.
Cuộc họp báo diễn ra sáng 16-12 tại TP HCM. Ảnh: Xuân Mai
Nhưng tỏ ra lạc quan, ông Makarov cho rằng dù có những chỉ số thống kê tiêu cực nhưng tình trạng này mang tính chất tạm thời và các chỉ tiêu chung trong thương mại giữa hai nước sẽ được phục hồi sớm và lại tiếp tục tăng lên.
Khi được hỏi về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu so với trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hoặc Việt Nam-Trung Quốc, ông Makarov cho rằng sự so sánh đó là không hợp lý. Đại diện Nga cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào sự chênh lệch về dân số và GDP của các nước hợp tác với Việt Nam. Chẳng hạn, Liên minh kinh tế Á-Âu với Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của toàn thành viên là 1.800 tỉ USD và có dân số chỉ bằng ½ tổng dân số Mỹ, quốc gia có GDP 20.000 tỉ USD. Trong khi đó, Trung Quốc có dân số gần 1,4 tỉ người và GDP là 14.000 tỉ USD.
Cũng trong cuộc họp báo, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP HCM, ông Alexey Popov, cho biết mối quan hệ hợp tác Nga - Việt đã tiến bộ rõ rệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, kỹ thuật, quốc phòng và giáo dục. Kim ngạch thương mại hai chiều đang đạt mức kỷ lục 5,2 tỉ USD vào năm 2017 và hai nước đang nỗ lực để hướng tới con số 10 tỉ USD vào năm 2020.
Đề cập đến vấn đề biển Đông, phía Nga khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán rằng các quốc gia tranh chấp không sử dụng vũ lực mà cần phải nỗ lực chung cho giải pháp hòa bình. Các nước liên quan và Trung Quốc cần đối thoại giải quyết tranh chấp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng.