Có một thực tế là, ngay trong nhà và xung quanh khu vực mà chúng ta sinh sống, có rất nhiều "quả bom nổ chậm" có thể cháy nổ bất cứ lúc nào nếu gặp điều kiện thuận lợi.
Hãy tham khảo danh sách vật dụng/đồ vật có khả năng cháy nổ dưới đây để có những biện pháp phòng tránh an toàn cho gia đình, người thân và những người xung quanh:
1. Bình gas
Nguy cơ: Các vụ nổ bình gas phần lớn đến từ nguyên nhân khí gas trong bình bị rò rỉ. Nguyên lý nổ bình gas là: Khí gas bị rò rỉ khi kết hợp với oxy trong không khí sẽ tạo thành một hỗn hợp rất dễ cháy.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như tia lửa, nhiệt độ phòng cao, chập dây điện, ma sát giữa giày cao gót có kim loại với mặt sàn nhà... đều có thể phát nổ lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về nhà cửa.
Biện pháp phòng tránh: Để phòng tránh nguy cơ này, hãy chắc chắn bình gas nhà bạn được khóa chặt sau mỗi lần nấu. Không để trẻ em đến gần bếp gas, tránh việc các bé bật bếp gas không đúng quy tắc.
Hình ảnh quay chậm khí gas rò rỉ và bắt lửa phát nổ. Video: Slow Motion Sneeze/Youtube
2. Tủ lạnh
Nguy cơ: Ngày nay, tủ lạnh đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều gia đình vì sự tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, vật dụng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát nổ rất lớn trong nhà bạn.
Và nguy cơ tủ lạnh nổ lớn nhất thường xảy đến với những tủ lạnh đã cũ hoặc do sửa chữa nhiều lần khiến cho hệ thống làm mát của tủ giảm.
Theo các chuyên gia thì, khi tủ lạnh hoạt động, máy nén với chức năng chuyển gas từ dạng khí sang dạng lỏng rồi cho gas tuần hoàn làm lạnh tủ, là loại kín nên các cuộn dậy có thể bị chập điện gây ra tia lửa điện bắt vào gas gây cháy nổ.
Biện pháp phòng tránh: Để phòng tránh nguy cơ cháy nổ tủ lạnh, người dùng tránh mua tủ lạnh đã cũ, nên chọn các loại tủ của thương hiệu lớn. Trong quá trình sử dụng nên gọi thợ lành nghề để bảo dưỡng và sửa chữa cẩn thận.
3. Pin, sạc điện thoại
Nguy cơ: Đã có rất nhiều trường hợp người dùng bị thương ngoài ý muốn khi vừa sạc pin điện thoại vừa dùng.
Pin điện thoại dùng lâu hoặc pin không đạt chuẩn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong quá trình, viên pin cũ, không đạt chuẩn sẽ nóng lên, gây cháy nổ. Chất lithium trong pin khi tiếp xúc với oxy trong không khí cũng gây cháy.
Ngoài ra, sạc pin dự phòng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do đây là một thiết bị tích điện có cấu tạo từ các tấm mang điện tích trái dấu chồng lên nhau, được phân cách bằng lớp cách điện xen kẽ. Trong trường hợp lớp cách điện hỏng, viên pin sẽ nóng lên, gây cháy nổ.
Biện pháp phòng tránh: Người dùng nên lựa chọn các loại pin/sạc đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không vừa sạc vừa dùng điện thoại đế tránh nguy cơ pin nóng, gây cháy nổ.
4. Bật lửa gas
Ảnh minh họa
Nguy cơ: Bật lửa gas là vật dụng khá quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện thuận lợi, vật dụng nhỏ bé này cũng có nguy cơ phát nổ gây ảnh hưởng ngoài ý muốn.
Nếu vỏ bật lửa bị nứt gây rò rỉ khí gas hoặc bật lửa bị phơi nắng hay ở trong phòng có nhiệt độ cao đều có thể phát nổ.
Biện pháp phòng tránh: Nên để bật lửa ở nơi thoáng mát, tránh xa nguồn lửa hoặc khu vực dễ gây chập cháy điện.
5. Lò vi sóng
Nguy cơ: Bản thân lò vi sóng không thể gây cháy nổ, chỉ có cách người dùng sử dụng sai cách mới là nguyên nhân khiến cho lò vi sóng phát nổ.
Một trong những cách dùng sai lầm đối với lò vi sóng là cho đồ đựng thực phẩm bằng (hoặc có chứa hoa văn) bằng kim loại vào lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Việc làm này sẽ sinh ra các tia lửa điện bên trong lò, gây cháy nổ.
Biện pháp phòng tránh: Khi người dùng mua lò vi sóng về, hãy đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và cùng lưu ý những khuyến cáo sau.
Không dùng chung ổ cắm điện của lò vi sóng với các vật dụng khác như tủ lạnh, lò nướng... vì công suất hoạt động của lò vi sóng rất lớn, việc dùng chung ổ cắm có thể gây chập điện, dẫn đến cháy nổ. Thêm vào đó, nên đặt xa lo vi sóng với các vật dụng sinh nhiệt như bếp gas để tránh việc tăng nhiệt dễ gây cháy trong phòng bếp.
Ảnh minh họa
Thứ hai, tránh đưa các vật dụng bằng kim loại vào lò. Cũng nên cân nhắc khi đưa màng bọc thực phẩm vào lò. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo thật kỹ về các đồ vật được đưa vào lo vi sóng an toàn để sử dụng.
Thứ ba, các loại vật dụng và thức ăn kín miệng như hộp đậy nắp hoặc các thức ăn như ngao, khoai lang nguyên củ, trứng... cũng không nên cho vào lò. Nếu không các vật dụng này sẽ nổ tung gây bẩn và cháy nổ lò vi sóng.
6. Các loại bình xịt nén khí
Nguy cơ: Các loại bình xịt nén khí như bình xịt muỗi, nước hoa... đều chứa hỗn hợp dế bay hơi và dễ cháy. Tuyệt đối không sử dụng các bình xịt gần bếp hoặc nơi có chập cháy, vì chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến nó bắt lửa, gây cháy nổ.
Biện pháp phòng tránh: Tránh để các loại vật dụng này ngoài trời nắng, và không sử dụng khi gần tủ lạnh cũng như bếp gas.
7. Bóng đèn dây tóc
Nguy cơ: Các chuyên gia cảnh báo, bóng đèn dây tóc khi hoạt động quá tải có thể bị nổ tung. Ngoài ra, vào lúc bóng đèn đang nóng, chỉ một giọt nước rơi lên bề mặt thủy tinh của bóng cũng khiến bóng đèn nổ tung gây tổn thương không mong muốn nếu người dùng đang ở gần.
Ngoài ra, đối với những bóng đèn không đạt chuẩn, với việc bật/tắt liên tục bóng đèn cũng khiến bóng cháy nổ.
Ảnh minh họa.
Biện pháp phòng tránh: Hãy chú ý tắt bóng đèn nếu không thực sự cần thiết, đây là cách vừa tiết kiệm tiền điện cho nhà bạn, vừa tránh nguy cơ bóng quá tải, gây cháy nổ.
Bên cạnh đó, người dùng cũng chú ý nguồn điện cho bóng đèn cần ổn định. Nên mua các loại bóng đèn chống chảy nổ hoặc có nguồn gốc uy tín.
Bài viết tham khảo nhiều nguồn