"Không thể bỏ Tết cổ truyền, nhưng nên… học Mỹ: Chỉ nghỉ 3 ngày"

Hiệu Minh |

Một ngày làm việc của Việt Nam tương đương gần 600 triệu đô. 10 ngày nghỉ lễ là 6 tỷ đô, gần bằng số ngoại tệ mà PetroVN làm ra.

Tây mang ngày Giáng Sinh, lễ tình yêu Valentine, người Trung Đông mang đạo Hồi, người Ấn mang đạo Hindu đến Việt Nam. Nhưng các cụ theo Phật lại muốn nghỉ ngày Phật đản thật đặc biệt. Ai cũng muốn nghỉ lễ theo cách của mình.

Nghỉ lễ Tết bao nhiêu là đủ, Tây ta kết hợp ra sao, cần có một chuẩn chung, đưa thành luật, tính đến bản sắc dân tộc nhưng không quên hội nhập.

Tại sao cánh trẻ sợ ở nhà trong Tết cổ truyền?

Nhiều gia đình trẻ ngán Tết nhất, năm nào cũng như năm nào, tới hẹn lại lên. Có chồng nhà quê phải về thăm ông bà tổ tiên. Nhà quen hay không quen đều phải sang thăm hỏi, mua quà, mừng tuổi các cụ, lì xì cho các cháu dù chẳng nhớ tên.

"Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy", chả biết có vui nhưng chắc chắn mệt.

Nhà kiếm được do buôn bán, kinh doanh, công ty có lợi nhuận, ai đó có bổng lộc hoặc "giời cho" còn đỡ. Người lương ba cọc ba đồng thì lo lắng với túi tiền thủng do mọi chi tiêu nhờ vào đó, chục triệu tiết kiệm cả năm đi luôn trong mấy ngày.

Rồi khi quay ra Hà Nội thì đã hết Tết, người đông nghẹt, phố xá bẩn, còn chơi xuân gì nữa. Một năm về quê thì ok, nhưng năm này qua năm khác, cứ Tết là về quê, người trẻ thích thay đổi không chán mới lạ.

Các con báo đáp ông bà trong Tết nhất suốt cả đời thế rồi, đến lượt lên lão 60-70 tuổi cũng mong con cháu làm "như tao đã làm". Ngày xưa "tao khổ, ngày nay chúng mày cũng phải vầy", cái vòng "luân hồi" đón Tết của người Việt.

Không thể bỏ Tết cổ truyền, nhưng nên… học Mỹ: Chỉ nghỉ 3 ngày - Ảnh 1.

Bọn trẻ thời @ không chịu thế. Tết được mấy ngày phải du lịch, đi phượt, chụp ảnh du xuân. Gần thì ra bãi đá sông Hồng chụp ảnh, xa lên Ba Vì, Sapa xem đào nở, rủng rỉnh thì sang Thái Lan cho nắng, xa nữa sang tận Canada xem tuyết mùa đông.

Trẻ phơi phới thanh xuân suốt ngày chui vào bếp ninh măng, đợi già rồi mới chống gậy lên non hưởng gió xuân, không hợp gu người trẻ.

Khổ nhất là các cô trên dưới 30 chưa chồng, tới nhà ai cũng bị hỏi, bao giờ cho ăn kẹo. Trai chưa vợ bị thì thầm, thằng cu này không có năng lực đàn ông nên gái không theo, á nam á nữ hay liệt cũng nên. Bị "rì rầm" như thế mà chim không bay đi tránh Tết mới lạ. Nhiều bạn phá cách, chưa Tết đã lên lịch đi chơi xa.

Cánh trẻ phá cỗ Tết ghê quá, tới mức thần đồng thơ một thời Trần Đăng Khoa bị gắn vào miệng một câu, đại loại ngày Tết mà con cái bỏ đi du lịch là bất hiếu. Chả hiểu anh có nói thế không, nhưng rõ ràng nhà thơ "nhí" ngày xưa nay cũng đã gần lên lão rồi, "khoảng trời và góc sân" dễ là kỷ niệm của người già, nhưng không phải là lựa chọn của cánh trẻ.

Thỏa hiệp thế nào

Để biết ơn cha mẹ ông bà thì có nhiều cách, không chỉ về Tết mới là có hiếu. Tự lo cuộc sống của mình đầy đủ để các cụ khỏi lo, làm người tử tế là một kiểu có hiếu khác. Các cụ ốm đưa ra bệnh viện thật tốt để chữa, bớt chút tiền lo hàng tháng nếu các cụ thiếu thốn, cũng là một kiểu có hiếu.

Bản thân mỗi người cũng phải cố kiếm tiền cho lúc về già khỏi ngồi đợi cửa, ngóng xem chúng có cho đồng nào không. Từ lương hưu đến bảo hiểm y tế, rủng rỉnh chút thì nếu vợ hoặc chồng "đi" sớm, mình chủ động tìm đối tác khác. Cứ thụ động đợi con cháu về trông nom thì nhanh có "đám ma chú giun" lắm.

Nếu có điều kiện nên đưa các cụ đi du lịch trong dịp Tết cho vui. Các cụ không thích thì đấy là lựa chọn của bố mẹ, không phải của con cháu.

Các cụ cũng phải thông cảm cho tuổi trẻ, bắt chúng suốt ngày quanh quẩn quanh lũy tre làng, thì chúng không thể đi xa.

Tôi quen một đôi. Anh chị rất hài lòng đi tránh Tết Hà Nội, cứ 28 Tết là lên đường về quê nội ở Huế và họ làm việc này đã 30 năm nay. Chị là con gái Hà Nội gốc mà chẳng biết Tết Thủ đô ra sao suốt từ thời lấy chồng.

Nhớ có mồng Một Tết bỗng một cô bạn lù lù đến nhà. Mời cô ấy ăn trưa, ở đến chiều lại ăn tiếp. Hỏi sao không đi với chồng, cô bảo, anh ấy đưa con về quê rồi. Cách Hà Nội 50km, có xa đâu, nhưng năm nào anh ấy cũng bắt em về từ 30 Tết, ở đó hết mồng 4 mới ra, suýt bỏ nhau.

Một lần thấy bụng lùm lùm sắp có con, hỏi sao vậy. Dạo này em thống nhất, một năm về quê ăn Tết, một năm ở lại Hà Nội. Có đi có lại mới toại lòng nhau, kiểu nhà quê độc đoán hay cậy con gái thành phố không về quê, Tết sẽ không bao giờ vui.

Nghỉ Tết lễ kiểu văn minh

Hoa Kỳ có 10 ngày nghỉ liên bang do Quốc hội qui định. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ do Tổng thống ra sắc lệnh như quốc tang, ngày nhậm chức. Họ chia đều ra các tháng trong năm chứ không no dồn đói góp như Tết bên ta.

Có ba ngày lễ được tổ chức đúng ngày, đó là ngày quốc khánh 4-7, ngày Chúa Giáng sinh, và ngày kỷ niệm cựu chiến binh. Các ngày còn lại như Columbus, ngày sinh Washington, ngày lễ Tạ ơn… luôn rơi vào thứ 6 cuối tuần hay đầu tuần thứ 2 để dân được nghỉ thêm một ngày cuối tuần. Mà lại trải đều trong 12 tháng không có kiểu no dồn đói góp.

Tổng thống đầu tiên Washington sinh ngày nào trong tuần không cần biết nhưng ngày được nghỉ rơi vào cuối tuần hay đầu tuần là dân vui nhớ ơn lâu hơn vì ông mà được nghỉ ba ngày liền.

Nghỉ ngày Columbus tìm ra châu Mỹ nhưng chỉ có 8% dân Mỹ thích vì họ cho rằng Columbus là kẻ diệt chủng người da đỏ. Ngày Giáng sinh có nghĩa với người theo Chúa, người theo Phật hay thánh Ala thì có ngày khác.

Về kinh tế, Mỹ có 320 triệu dân, GDP đầu người 53 ngàn đô la. Một ngày làm việc của Mỹ tương đương với gần 48 tỷ đô la. 10 ngày nghỉ, liên bang vẫn phải trả tiền cho dân là 480 tỉ đô la, hơn gấp đôi GDP của Việt Nam hơn 200 tỷ đô la/năm.

Việt Nam có 90 triệu người, GDP đầu người 2300$/năm. Một ngày làm việc của Việt Nam tương đương gần 600 triệu đô. 10 ngày nghỉ lễ là 6 tỷ đô, gần bằng số ngoại tệ mà PetroVN làm ra.

Chính quyền phải tính đến số ngày lễ sao cho khoa học và tối ưu. Trong bối cảnh hội nhập lại càng phải xiết số ngày nghỉ lễ. Nghỉ Tết quá dài sẽ làm cho đối tác ngán, dễ mất hợp đồng.

Hiện có 10 ngày lễ, nên bố trí chia đều ra các tháng để mỗi tháng có một ngày nghỉ cuối tuần dài.

Ngày quốc khánh nhất định phải đúng 2-9. Ngày ết tây 1-1 hàng năm cũng thế. Không thể thay đổi.

Bỏ cái gì thì bỏ chứ bỏ Tết cổ truyền chắc chắn không được. Tết ta nên nghỉ tối đa 3 ngày kể từ ngày 30 Tết. Nếu rơi vào giữa tuần thì sau kỳ nghỉ dù còn một ngày cùng phải đi làm bình thường vì cho nghỉ cả tuần thì đầu tuần sau dân vẫn trốn du xuân.

30-4 là ngày hòa bình, sau đó 1-5 quốc tế Lao động, nên cho nghỉ một ngày rơi vào thứ 6 của tuần cuối tháng 4 để dân được nghỉ 3 ngày liền kể cả cuối tuần.

Còn 4 ngày lễ khác nên chia đều cho những tháng như tháng 6, 7, 8, 10, 11 chưa có ngày nghỉ và do quốc hội qui định. Nên kết hợp với ngày cuối tuần hay đầu tuần để kỳ nghỉ được dài hơn. Rơi vào giữa tuần coi như mất tuần đó vì đầu óc trước lễ và sau lễ vẫn mông lung.

Ở tầm quốc gia nên chọn ngày lễ sao cho xứng tầm toàn cầu mà vẫn giữ bản sắc riêng, ai cũng vui, kinh tế luôn có sức sống như mỗi độ xuân về, chứ không méo mặt như dân sau tết từ quê đổ về thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại