Nếu lần này ông Trump quyết định bố trí vài trăm quân nhân Mỹ ở miền đông Syria, đây sẽ là lần thứ hai kể từ đầu năm nay ông đã hủy bỏ mệnh lệnh rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria.
Một quan chức giấu tên cho biết kể từ tuần trước Tổng thống Mỹ đã có ý định để lại khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ ở đông bắc Syria để chống lại các tổ chức khủng bố. Thêm vào đó, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ đóng quân dọc khu vực biên giới với Iraq, nằm ngoài khu vực không giao tranh mà Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí thiết lập.
Cũng theo báo New York Times, bên cạnh mục đích chính là ngăn chặn sự xuất hiện của IS tại Syria và Iraq, Mỹ cũng muốn hỗ trợ người Kurd kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông Syria. Đã có ba quan chức trong chính quyền Tổng thống và Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng các chính trị gia và tướng lĩnh của Mỹ đã thảo luận về vấn đề này.
Lúc này, ông Trump được cho là đang đứng trước hai lựa chọn, hoặc là tìm cách đạt mục tiêu tiêu diệt khủng bố và đưa các binh lính Syria trở về nhà, hoặc là tiếp tục phong tỏa và làm suy yếu lực lượng IS còn lại. Một số quan chức cho biết, ông Trump tin rằng việc giữ lại một nhóm nhỏ quân nhân Mỹ là cách hợp lý để đảm bảo an ninh trong khu vực và ở Mỹ.
Vào ngày 7/10, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ đã bắt đầu rút quân từ khu vực đông bắc Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào ngày 13/10 cũng nói rằng Washington sẽ rút thêm 1.000 binh lính nữa từ Syria.
Ngày 9/10, ông Erdogan tuyên bố thực hiện Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ở miền bắc Syria. Đây là hoạt động nhằm đẩy lui lực lượng người Kurd khỏi vùng biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thiết lập một vùng an toàn để Ankara có thể đưa 3,6 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Hiện tại một lệnh ngừng bắn kéo dài 120 giờ đang được thực hiện ở miền bắc Syria.