Lầu Năm Góc tuyên bố cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ tối 6/4 (theo giờ Mỹ) đã phá hủy khoảng 20% số máy bay có khả năng hoạt động của quân chính phủ Assad.
Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, Hải quân Mỹ đã phóng khoảng 61 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Shayrat để đáp trả vụ máy bay Sukhoi Su-22 của quân chính phủ Syria thả vũ khí hóa học (được cho là chất độc thần kinh Sarin) xuống dân thường hôm 4/4.
Một tên lửa phóng hỏng và một tên lửa rơi xuống biển - tức là chỉ có tổng cộng 59 tên lửa Tomahawk vươn tới mục tiêu theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
(Hiện thông tin về mức độ chính xác của tên lửa Tomahawk vẫn còn gây tranh cãi. Theo thông tin mới nhất do hãng tin Sputnik đăng tải, tại cuộc họp báo hôm 11/4, Tướng Joseph Votel - chỉ huy Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ (CENTCOM) thông báo, các tên lửa Tomahawk đã đánh trúng 57/59 mục tiêu trong cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Al-Shayrat.
Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 7/4, hai quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố 59 tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ của Syria đã đánh trúng tất cả 59 mục tiêu. Còn Bộ Quốc phòng Nga lại cho rằng chỉ có 23/59 tên lửa của Mỹ trúng đích).
Hình ảnh máy bay bị phá hủy tại căn cứ Al-Shayrat sau cuộc tấn công của Mỹ.
Lầu Năm Góc cho hay, cuộc tấn công đã gây thiệt hại đáng kể cho căn cứ không quân của Syria và lực lượng còn lại của Tổng thống Bashar al-Assad.
"Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, cuộc tấn công đã gây thiệt hại hoặc phá hủy các kho nhiên liệu và đạn dược, các hệ thống phòng không, cùng 20% số máy bay có khả năng hoạt động của Syria" - Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hôm 10/4.
Lầu Năm Góc tuyên bố chính phủ Syria đã mất khả năng tiếp nhiên liệu hoặc tái vũ trang cho các máy bay tại sân bay Shayrat và tại thời điểm này, việc sử dụng đường băng ở đây là vô ích.
Mặc dù cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk không phải là một cú "knock-out" nhưng nó được tiến hành nhằm ngăn chính phủ Syria tái sử dụng vũ khí hóa học.
Bất chấp những tuyên bố chắc nịch của Lầu Năm Góc, Không quân Syria được cho là đã khôi phục hoạt động tại căn cứ này. Đường băng tại căn cứ không nằm trong số mục tiêu bị tấn công nên vẫn còn nguyên vẹn.
Căn cứ Shayrat là nơi đồn trú của 2 phi đoàn máy bay ném bom Su-22M3/M4, cùng 1 phi đoàn tiêm kích MiG-23ML/MLD và có vẻ như, kha khá máy bay trong số này vẫn sống sót sau vụ tấn công.
Trên blog cá nhân, chuyên gia quân sự Michael Kofman tại Trung tâm Phân tích Hải quân cho biết:
"Những phi đoàn này được phân bổ tại 3 phân khu trong căn cứ, và có vẻ tên lửa đã đánh trúng 2 trong 3 phân khu này. Hậu quả là, có 5 máy bay Su-22M3, 1 chiếc Su-22M4 và 3 chiếc MiG-23ML trong tổng số 9 máy bay bị phá hủy.
(Ban đầu Lầu Năm Góc tuyên bố đã phá hủy 20 máy bay nhưng thống kê tới nay mới chỉ cho thấy có 9 chiếc. Trong thông cáo gần đây nhất, Lầu Năm Góc đã chuyển thành triệt tiêu 20% sinh lực của không quân Syria).
Có vẻ phi đoàn Su-22 tại phân khu phía tây bắc của căn cứ phần lớn không bị bắn trúng, vì thế mới có video ghi lại cảnh 1 trong những máy bay tại đây cất cánh từ căn cứ này cùng ngày hôm đó".
Theo nhà phân tích Dave Majumdar, nếu thông tin 9 máy bay bị phá hủy của Kofman là chính xác và báo cáo đánh giá của Lầu Năm Góc (triệt tiêu 20% sinh lực không quân Syria) cũng đúng, thì chúng ta có thể phỏng đoán rằng quân chính phủ Assad chỉ còn lại 45 máy bay chiến đấu có khả năng hoạt động.
Điều đó đồng nghĩa, cuộc chiến kéo dài nhiều năm liên tiếp đã gây tổn thất nặng nề cho Không quân Syria bởi vào năm 2011, họ vẫn còn 461 máy bay chiến đấu có cánh cố định và 76 máy bay huấn luyện.
Tuy nhiên, ông Majumdar lưu ý rằng, đó là trong trường hợp báo cáo đánh giá thiệt hại của Lầu Năm Góc không bị thổi phồng, bởi trên thực tế, rất khó đánh giá nếu không được cung cấp số liệu chính xác.
Hình ảnh tại căn cứ Al-Shayrat do máy bay không người lái ghi lại sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ.