Sức mạnh Không quân Nga: Tiết lộ "gót chân Achilles"

Bảo Lam |

Gần đây, Không quân Nga tiếp nhận rất nhiều vũ khí được sản xuất mới, nhằm thay máu lực lượng và đáp ứng tất cả những yêu cầu của tác chiến hiện đại trong tương lai.

Trong bài viết nhan đề "Пёстрый парад «Сушек»: что не так с поставками новой техники ВВС? - Có điều gì đó bất thường việc bàn giao khí tài Không quân Nga?", tác giả Ilya Legat đã chỉ ra có nhiều điều lạ trong quá trình nghiên cứu chế tạo vũ khí mới của Nga, đặc biệt là không quân.

Người ta luôn quan tâm sát sao tới các bản hợp đồng cung cấp khí tài không quân mới. Như chúng ta biết, quân đội Nga mua cùng lúc số lượng lớn các loại máy bay khác nhau: Su-35S, Su-30SM, Su-34, Su-30M2, Su-27SM3.

Thêm vào đó còn có MiG-29SMT và hàng loạt những máy bay cũ của Liên Xô với các phiên bản và năm sản xuất khác nhau. Và điều này là một ví dụ độc đáo mà không có một quốc gia nào làm được.

Sức mạnh Không quân Nga: Tiết lộ gót chân Achilles - Ảnh 1.

Không quân Nga gần đây triển khai nhiều dự án sản xuất, nâng cấp máy bay chiến đấu. Ảnh minh họa: Tiêm kích thử nghiệm Su-35 và Su-37.

"Bao nhiêu loại máy bay tiêm kích…"

Hãy xem phương Tây giải quyết vấn đề này như thế nào. Không cần phải mô tả chi tiết các quá trình được lực lượng không quân Mỹ hoặc châu Âu thực hiện. Chi phí để nghiên cứu chế tạo quá lớn khiến họ phải từ bỏ gần như toàn bộ công tác nghiên cứu chế tạo các máy bay cường kích, đánh chặn và ném bom hạng nặng mới.

Nhưng đó chỉ bề nổi của tảng băng. Trên thực tế, các quốc gia hàng đầu thế giới lựa chọn cho lực lượng không quân của mình ý tưởng giống như ý tưởng chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của lực lượng lục quân.

Chiếc tiêm kích F-35 trong tương lai sẽ là cỗ máy tấn công chiến thuật duy nhất của Mỹ và hàng loạt các quốc gia đồng minh. Xen kẽ vào đó là những cỗ máy cũ mà sẽ được sử dụng dự phòng cho đến hết thời gian khai thác. Và tất nhiên là họ sẽ bổ sung hàng loạt UAV.

Có thể phản đối rằng trên cơ sở F-35 người ta đã chế tạo ra 3 chiếc máy bay khác nhau: F-35A, F-35B và F-35C. Tuy nhiên, sự đồng nhất về phụ tùng của các phiên bản này lên tới 90%.

Trong đó, "trái tim" của tất cả những máy bay này đều là radar mảng pha chủ động AN/ANG-81. Đồng thời các tiêm kích đều được lắp đặt những hệ thống quang-điện tử đồng nhất, camera hồng ngoại đa chiều, trạm gây nhiễu điện tử, các hệ thống chỉ dẫn trên mũ phi công và nhiều thứ khác.

Một số khác biệt trong động cơ là do những yêu cầu đối với việc hạ cánh thẳng đứng của F-35B. Có ý kiến cho rằng người Mỹ đã quá cố gắng đối với sự đồng nhất khi biến F-35A và F-35C thành những cỗ máy "hữu hạn" với một phần các tính năng bị loại bỏ vì những yêu cầu của F-35B.

Nhưng đó chỉ là ý kiến của một số người yêu thích lĩnh vực hàng không. Còn giới quân sự Mỹ có quan điểm của mình về vấn đề này.

Sức mạnh Không quân Nga: Tiết lộ gót chân Achilles - Ảnh 2.

F-35A, F-35B và F-35C. Ảnh minh họa.

Mỗi nơi một ít

Bây giờ chúng ta chuyển sang lực lượng không quân Nga. Thật đáng ngạc nhiên, nhưng phiên bản nâng cấp "siêu tiết kiệm" từ Su-27 thành Su-27SM hay Su-27SM3 lại ít gặp vấn đề hơn cả.

Đúng, cỗ máy này không trở nên thiện chiến hơn, nhưng có thể nói, đó chỉ là một giải pháp bắt buộc đối với những máy bay không còn mới trong bối cảnh thiếu nguồn lực tài chính triền miên.

Những cỗ máy được sản xuất mới lại gây nhiều tranh cãi hơn cả và đã được điểm danh ở trên: Su-35S, Su-30SM, Su-30M2, MiG-29SMT, MiG-35 (trong tương lai) và, tất nhiên, cả Su-34.

Về bản chất, những chức năng của tất cả các cỗ máy này có thể được thực hiện bởi một chiếc máy bay: lấy ví dụ, Su-35 (U)BM có hai phiên bản một và hai chỗ ngồi. Có quan điểm cho rằng Su-34 có thể làm được nhiệm vụ của chiếc máy bay ném bom tầm xa, gần như thay thế cho Tu-22M3.

Nhưng đó là điều hoàn toàn vớ vẩn, bởi vì bán kính chiến đấu của Su-34 là 1.100km, tương đương hoặc thậm chí còn kém cả Su-27. Trọng lượng cỗ máy này khá nặng cho nên để tăng bán kính hoạt động của nó chỉ có thể thực hiện bằng việc sử dụng các bình nhiên liệu phụ gắn trên giá treo hoặc tiếp nhiên liệu trên không.

Sức mạnh Không quân Nga: Tiết lộ gót chân Achilles - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-34 của Không quân Nga.

Nhưng tất cả là tiểu tiết. Vậy vấn đề cơ bản liên quan tới việc bàn giao khí tài không quân là gì? Về mặt hình thức, tất cả các cỗ máy liệt kê ở trên được chế tạo trên các nền tảng: MiG-29 và Su-27.

Tuy nhiên trong thực tiễn, đó hoàn toàn là những tổ hợp khác nhau mà không hề có điểm gì chung ngoài thương hiệu MiG và Su. Điều khó chịu nhất – hệ thống điện tử khác nhau. Su-30SM sở hữu trạm radar được nhiều người biết đến N011M "Bars", còn Su-35S lại được trang bị hệ thống radar N035 "Irbis".

Về phần mình, Su-34 lại sở hữu trạm radar Sh-141, còn Su-30M2 lại được lắp đặt hệ thống radar định vị N001V, thiết bị gần như không có nhiều khác biệt so với những gì người ta trang bị cho Su-27/SM. Dù là một điểm cộng, nhưng thực sự nó đã quá cũ.

Đáng ngạc nhiên, nhưng với các động cơ mà người Nga tự hào thì tình hình cũng không có gì khác. Các cỗ máy nêu trên được trang bị các loại động cơ khác nhau mà không thể thay thế cho nhau mặc dù chúng được áp dụng chung một nền tảng công nghệ.

Thêm một thứ mang tính tượng trưng đó là chiếc tiêm kích-ném bom hạng nặng Su-34 được trang bị động cơ AL31F-M1 "khá khiêm tốn", trong khi chiếc Su-35S một chỗ ngồi lại được lắp đặt những động cơ AL-41F1S tiên tiến hơn theo tiêu chuẩn của Nga.

Nhưng đó cũng vẫn chỉ là tiểu tiết. Những tiêu chuẩn đối với máy bay tiêm kích và ném bom tiền tuyến hoàn toàn khác nhau.

Tin tốt duy nhất ở đây là tuyên bố được đưa ra cách đây không lâu bởi Tập đoàn Chế tạo động cơ Ufa (Nga) khi tham gia vào cuộc thi "Nhà chế tạo động cơ của năm" rằng trong tương lai Su-30SM sẽ phải được lắp đặt động cơ của Su-35, có nghĩa là động cơ AL-41F1S nêu trên.

Hiện nay công tác thiết kế thử nghiệm đang được "Sukhoi", Tập đoàn chế tạo động cơ Ufa và Tập đoàn "Irkut" phối hợp triển khai. Khi nào Su-30SM sẽ tiếp nhận động cơ mới – chưa rõ.

Phải làm gì đây?

Điều đầu tiên mà Bộ Quốc phòng Nga có thể làm trong tình huống không hề đơn giản này đó là từ bỏ hẳn (hoặc gần như hoàn toàn) MiG-35. Đó là cỗ máy không còn thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nó sẽ làm cho việc vận hành khí tài không quân thêm khó khăn, trong khi không mang lại lợi ích thực tế nào. Không nên quên rằng ngoài kia đã bước sang năm 2019: bắt đầu thời kỳ của các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

Trong bối cảnh này trạm radar "Zuk", nói một cách nhẹ nhàng, không khiến ai phải ngạc nhiên cũng như một loạt những đặc tính khác của Su-35.

Sức mạnh Không quân Nga: Tiết lộ gót chân Achilles - Ảnh 4.

Tiêm kích Su-35 của Không quân Nga.

Tốt hơn hết nên tập trung nguồn tiền vào việc mua sắm một chiếc máy bay nào đó trong số những cỗ máy hiện có trong quân đội. Lấy ví dụ, Su-35S và phiên bản hai chỗ ngồi giả định chẳng hạn.

Hiện giờ đây là chiếc tiêm kích mạnh nhất của lực lượng không quân vũ trụ Nga được cho là vượt trội hơn so với Su-30SM về một loạt những tính năng bao gồm cả tầm phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar hiệu dụng nhỏ.

Tình hình liên quan tới Tập đoàn "MiG" là một vấn đề khác và hiện nay không nên thảo luận về điều đó. Nhưng nói chung, khi toàn bộ lĩnh vực chế tạo hàng không đứng xếp hàng để nhận tiền từ chính phủ thì đó là một dấu hiệu không tốt.

Các máy bay cần phải được thị trường thế giới đón nhận và nếu chúng sẽ không bán được, thì có nghĩa đó không phải là những máy bay tốt như chúng ta tưởng. Hoặc thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng để vận hành – điều mà Nga đang phải đối mặt trong thực tế hiện nay.

Sự thay thế thực sự các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô và mới của Nga có thể là Su-57. Tuy nhiên đánh giá tiềm năng chiến đấu của nó là điều hoàn toàn không thể trong bối cảnh hiện nay khi cỗ máy này vẫn chỉ là nguyên mẫu, còn diện tích phản xạ radar hiệu dụng thì chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được.

Được biết rằng thời hạn chính thức triển khai sản xuất hàng loạt cỗ máy này đã được lùi sang cuối thập niên 20 – tức là khoảng giai đoạn 2027-2028. Có nghĩa là đến khi đó người ta mới hoàn thiện động cơ giai đoạn 2 và giải quyết dứt điểm "những căn bệnh ốm vặt" mà các khí tài quân sự mới phức tạp luôn gặp phải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại