Cụ thể, hơn 13 nhà máy luyện kim lớn đã đề xuất giảm 5% đến 10% sản lượng theo kế hoạch trong năm nay. Đề xuất này diễn ra sau các cuộc đàm phán giữa các nhà luyện kim và chính phủ hồi đầu tháng này về khả năng cắt giảm sản xuất và kiểm soát công suất. Tin tức này đã đẩy giá đồng lên mức cao nhất trong 11 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London.
Trong báo cáo thu nhập được công bố bởi Jiangxi Copper, nhà sản xuất đồng tinh chế lớn nhất Trung Quốc, cho biết giá đồng dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất.
Đồng là một hàng hóa cơ bản được định giá bằng USD, nên khi bạc xanh mất giá, giá đồng tính bằng USD sẽ tăng lên.
Môi trường lãi suất thấp là chính môi trường đầu tư có lợi cho thị trường hàng hóa, trong đó có đồng, do chi phí đầu tư lúc này đã giảm đi khi đồng USD trở nên rẻ hơn. Trong khi đó, nhu cầu đồng luôn được giới chuyên gia dự báo sẽ tăng mạnh song hành cùng kỷ nguyên chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhờ ứng dụng tuyệt vời của đồng trong việc điện hóa mọi thứ. Do vậy, một số chuyên gia dự báo giá kim loại đồng sẽ tăng hơn 75% trong vòng 2 năm tới.
Trung Quốc nắm giữ tương lai chuyển đổi xanh
Trung Quốc hiện là nước sản xuất và tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Kho dự trữ chiến lược của nước này đã giúp họ có tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu và bảo vệ khỏi tình trạng thiếu hụt cho ngành công nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt việc sử dụng đồng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của phương Tây.
Kieran Tompkins, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics cho biết: “Trung Quốc nắm giữ hầu hết các quân bài về đồng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh”.
Trong bối cảnh này, quy mô kho dự trữ của Trung Quốc cũng như động cơ của Trung Quốc là rất quan trọng.
“Chúng tôi không thể biết chắc chắn liệu Trung Quốc có đang dự trữ hay không, bởi vì chúng tôi thực sự không biết về số lượng hàng tồn kho mà nước này có trên các sàn giao dịch. Nhưng những gì chúng tôi có thể nói là Trung Quốc đã thực sự khẳng định mình là nhà sản xuất đồng tinh chế ở vị thế thống trị” , nhà kinh tế Kieran Tompkins cho biết.
Ngay cả khi lượng nhập khẩu khác sụt giảm, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua thêm nguyên liệu để sản xuất đồng tinh chế. Trong đó, toàn bộ sự gia tăng sản lượng đồng tinh chế toàn cầu vào năm 2023 là do Trung Quốc.
Nhà kinh tế Kieran Tompkins cho biết, điều này đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế thống trị của mình trong việc cung cấp “vật liệu sẽ được sử dụng trong các ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến chuyển đổi xanh”.
Điều này một phần phản ánh sự thay đổi trọng tâm của nền kinh tế nội địa Trung Quốc: nước này đã chuyển từ tập trung vào phát triển bất động sản và công nghệ sang tăng cường sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời một cách ồ ạt.
Tuy nhiên, sức mạnh thị trường này cũng mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy đáng kể trong bối cảnh nhu cầu về đồng được dự đoán sẽ tăng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
“Theo quan điểm của chúng tôi, sự kết hợp giữa trữ lượng đồng thấp kỷ lục trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng nhu cầu xanh nhanh chóng và độ co giãn thấp của cả cung và cầu sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm đồng vào năm 2025” , các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong báo cáo gần đây.
“Nếu chúng ta không tìm thấy các mỏ đồng mới hoặc chúng không được đưa vào hoạt động đủ nhanh thì chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung kéo dài. Điều này sẽ dẫn đến giá đồng cao hơn trong một khoảng thời gian dài hơn” , nhà phân tích Ewa Manthey cho biết.
Tham khảo: Mining, The Telegraph