Không phải vàng, đây mới được cho là ‘món hời nóng bỏng tay cả thế giới săn lùng’, dự đoán giá tăng 46% vài năm tới

Anh Dũng |

Các vấn đề về nguồn cung đang khiến kim loại này trở nên đắt đỏ. Chuyên gia kỳ cựu về hàng hoá Jeff Currie đang bày tỏ sự lạc quan về cơ hội này.

Không phải vàng, đây mới được cho là ‘món hời nóng bỏng tay cả thế giới săn lùng’, dự đoán giá tăng 46% vài năm tới- Ảnh 1.

“Đây là giao dịch hấp dẫn nhất mà tôi từng thấy trong hơn 30 năm trong ngành”, giám đốc chiến lược về lộ trình năng lượng của Carlyle chia sẻ về tiềm năng của đồng. Nhiều khách hàng và những người tham gia thị trường cũng nói rằng đây là giao dịch hiệu quả nhất mà họ từng chứng kiến.

Kim loại này đã tăng hơn 21% vào năm 2024 và ông Currie dự đoán giá sẽ đạt 15.000 USD/tấn trong vài năm tới, tương đương mức tăng 46% so với hiện tại.

Cơ sở chính cho dự đoán này là tình trạng mất cân bằng cung cầu của kim loại này. Nhu cầu về mặt hàng này ngày càng tăng nhưng đầu tư và sản xuất vẫn còn thiếu. Ông giải thích gói gọn trong một chữ viết tắt “RED”, tức là tái phân phối, chính sách môi trường và phi toàn cầu hoá.

Đầu tiên, ông Currie lưu ý rằng các nhóm thu nhập thấp hơn từ lâu đã là những người tiêu dùng hàng hóa nhiều hơn. Do đó, chính sách phân phối lại của cải cho nhóm này là một cơ hội thuận lợi cho các vật liệu như đồng.

Khi nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhóm được hưởng lợi nhiều nhất đó là những người thu nhập thấp. Và chính sách phân phối của cải trên toàn thế giới giúp nhóm này có điều kiện hơn trong việc tiêu thụ hàng hoá.

Thứ hai, chính sách môi trường đang thúc đẩy cuộc tranh giành đồng. Kim loại này xuất hiện trong mọi thứ, từ pin năng lượng mặt trời đến pin xe điện. Nó đóng vai trò trung tâm trong quá trình xanh hoá thế giới.

Ông Currie lưu ý thêm rằng mặc dù không xuất hiện trong từ viết tắt, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang thúc đẩy nhu cầu về đồng. Suy cho cùng, công nghệ đang phát triển phụ thuộc vào lưới điện và lưới điện phát triển hay không phụ thuộc một phần vào đồng.

Thứ ba, phi toàn cầu hoá đã trở thành một chủ đề quan trọng hơn nhiều so với những gì các nhà phân tích từng nghĩ đến. Điều đó dẫn đến chi tiêu quân sự ngày càng tăng, chẳng hạn như việc Mỹ chi 95 tỷ USD cho đạn dược.

Tuy nhiên, những yếu tố trên vẫn chưa dẫn đến sự bùng nổ từ phía nguồn cung. Sản lượng khai thác vốn đã bị đình trệ trong bối cảnh nhiều thách thức về chính trị và tài chính. Ví dụ, một mỏ đồng ở Panama chịu trách nhiệm cung cấp 1,5% sản lượng thế giới đã dừng hoạt động kể từ tháng 11 năm ngoái.

Theo quan điểm của Currie, nguyên nhân là do các công ty lớn vẫn chưa sẵn sàng đầu tư mới. Nhưng ông cho rằng điều này là bình thường ở giai đoạn hiện tại, tương tự như các mô hình thập niên 2000. Phải mất nhiều năm, các nhà đầu tư mới nghiêm túc hơn với lĩnh vực này.

Theo MI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại