Và thế là Donald Trump chiến thắng, trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa kỳ.
Kết quả bầu cử khiến thế giới kinh ngạc. Giới chính trị, doanh nhân, chuyên gia phân tích bất ngờ. Các chỉ số thị trường tài chính và chứng khoán nhuốm sắc đỏ không khác gì hồi 11.9.2001. Trên đường phố còn điểm tô thêm một vài cuộc biểu tình đốt phá phản đối nữa…
Người biểu tình chống Trump. Ảnh: AP
Điều gì đã xảy ra? Giới bình dân mất niềm tin nghiêm trọng vào chính quyền ở Washington. Họ nổi loạn. Họ muốn lật đổ bằng lá phiếu của mình. Cuộc bầu cử cho thấy xã hội Mỹ đang rạn nứt sâu sắc về những giá trị cơ bản nền tảng của xã hội đó.
Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang lại cho nước Mỹ những ưu thế tuyệt vời, nhưng không phải cho tất cả. Một lực lượng lao động khổng lồ không theo kịp những cơn lốc ấy. Họ tụt hậu. Họ bị bỏ lại trong quên lãng với lo lắng thường trực về lưỡi hái thất nghiệp treo trên đầu họ.
Một nước Mỹ khác với những gì báo chí mô tả ấy sống co mình lại, chịu đựng đầy thất vọng với những quyết sách của Washington mà quyền lợi sát sườn của họ bị gạt ra rìa.
Trump phát hiện ra điều đó. Ông hướng tới "những người Mỹ da trắng ít học" (như cách gọi của CNN và The NYT), những người đang lo lắng công việc của mình bị người nhập cư và công nhân nước ngoài cướp mất.
Ông đòi xây một bức tường ngăn dân nhập cư Mexico tràn vào Mỹ. Ông kêu gọi đưa sản xuất công nghiệp quay trở lại nước Mỹ. Ông phê phán mạnh mẽ NAFTA và TPP. Ông đòi các nước giàu phải tự trang trải cho an ninh của mình chứ không chi tiền cho việc đó nữa,…
Trong đại hội của đảng Cộng hòa hồi tháng 8, Trump nói nhiều về "những người Mỹ bị bỏ rơi và quên lãng". Những người đó đã nghe lời ông, tin ông, cảm thấy ở ông sự bảo vệ với quyền lợi sinh tồn của mình, và đi bỏ phiếu.
Không phải vô cớ mà tại các bang tranh chấp, số cử tri đi bầu tăng vọt, và Trump giành chiến thắng ở hầu hết những bang tranh chấp quan trọng ấy, chọc thủng cả "Vành đai xanh" vốn truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ.
Trong khi đó, các điều tra xã hội học lại làm Hillary Clinton chủ quan. Vốn quen nghiên cứu thị trường thương mại, phần lớn các hãng hiểu rất rõ các giai tầng có thu nhập tốt, có khả năng mua hàng, nhưng lại bỏ qua những người Mỹ nghèo gần như không có khả năng lựa chọn khi mua hàng.
Vì thế, Clinton bỏ qua thành phần nòng cốt, hạt nhân chính của cử tri của Trump - "những người Mỹ da trắng ít học".
Giờ đây, khi đắc cử, Trump mang nợ với những người đã bỏ phiếu cho ông đó. Ông sẽ làm gì với những nghĩa vụ quốc tế mà nước Mỹ đã ký? Ông sẽ làm gì để giới tinh hoa không bị chia rẽ sâu sắc thêm? Ông sẽ làm gì để tăng hiệu quả, sức cạnh tranh và năng suất sản xuất tại Mỹ để các nhà kinh doanh Mỹ "mang công ăn việc làm về lại nước Mỹ"?
Đành rằng việc đảng Cộng hòa kiểm soát đồng thời cả Hạ viện lẫn Thượng viện tạo cho ông những ưu thế nhất định, nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ ủng hộ ông vô điều kiện. Chẳng phải để đạt được những thỏa thuận TPP, đảng viên Dân chủ Obama đã phải dựa vào những người Cộng hòa, còn những người Dân chủ thì chống lại đó sao.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nhà báo Nguyễn Sơn từng làm việc qua các tờ Người lao động,
Vietnamnet, Lao động, nhiều kinh nghiệm về mảng quốc tế. Nguyễn Sơn là phóng viên đầu tiên và duy
nhất của Việt Nam vào được lãnh thổ Afghanistan để tác nghiệp trong chiến tranh Afghanistan (2001 - 2004).