Đã nhiều năm rồi người ta vẫn tranh cãi về việc liệu cây cối có thể có cảm xúc được không. Ngạc nhiên thay, một giống cây kỳ lạ ở Châu Phi có thể biểu hiện sự đau đớn theo cách rất giống con người: chảy máu.
Nhìn qua thật không khác gì "máu tươi" rỉ ra từ miệng vết chặt.
“Cây gỗ máu” có tên khoa học là pterocarpus angolensis, được tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp Châu Phi, trong đó bao gồm Zimbabwe, Tanzania, Nam Phi và Zaire. Cây trưởng thành có thể mọc cao 12 -18 mét với thân cây cao lớn uy nghi và vòm lá xum xuê ở phần ngọn.
"Cây gỗ máu" rất cao lớn và có lá tập trung trên ngọn cây cao.
Điểm đặc biệt ở loại cây này đó là khi bị chặt, thân gỗ chảy ra thứ nhựa cây có màu đỏ tươi y như máu. Thứ nhựa dinh dính này sẽ rỉ ra ở chỗ “vết thương” để giúp cây mau lành lại.
Thứ nhựa cây đỏ tươi có tác dụng làm lành vết thương.
Mặc dù có vẻ đáng sợ, “cây gỗ máu” rất được ưa chuộng tại Châu Phi nhờ vào loại gỗ màu nâu ánh đỏ rất đẹp và bền, lại có khả năng chống mối mọt.
Thường thì người ta sẽ dùng gỗ loại cây này để làm đồ đạc trong nhà hoặc để đóng thuyền; riêng nhựa cây có thể trộn với mỡ động vật rồi dùng như thuốc nhuộm bôi lên mặt và cơ thể.
Chính vì có màu tựa như máu nên người dân địa phương tin rằng nhựa cây có thể đem lại phép thần.
Chặt đứt chỗ nào, nhựa cây chảy ra ở đó.
Gặp cảnh tượng này vào buổi đêm chắc nhiều người phải khóc thét.
Ngoài ra, nhựa “cây gỗ máu” còn được sử dụng để chữa các bệnh về mắt, bệnh sốt rét đái huyết cầu tố, bệnh nấm da hoặc để tăng lượng sữa ở người mẹ đang mang thai. “Cây gỗ máu” thường được trồng quanh nhà của người trưởng làng để làm rào chắn tự nhiên.
(Nguồn: Lifebuzz, Amusingplanet)