Năm 201, Tào Tháo binh hùng tướng mạnh đích thân dẫn quân về Hứa Xương rồi tấn công Lưu Bị đang liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Quân Cung Đô vốn ô hợp, nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến vội vã bỏ chạy tan tác.
Sau khi quân Tào giết chết Cung Đô, Lưu Bị biết mình không thể đối địch được với Tào Tháo, bèn bỏ luôn Nhữ Nam chạy về phía nam, đến Kinh châu xin nương nhờ Lưu Biểu.
Thời gian đầu, Lưu Biểu còn đối đãi rất hậu nhưng sau đó, nghi ngờ và bất hòa dần dần nảy sinh giữa hai người, Lưu Biểu bắt đầu đề phòng xa lánh Lưu Bị.
Có thể nói rằng, tại thời điểm ấy, Lưu Bị đã năm mươi tuổi nhưng không có lấy một mảnh đất cắm dù, quyền thế tiền tài đều chẳng có, sức mạnh quân sự bạc nhược. Cho dù có được lòng trung thành của nhiều anh hùng hào kiệt thì ông vẫn khó có thể hoàn thành đại nghiệp.
Chính lúc ấy, Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy và mưu sĩ Từ Thứ dưới trướng đồng thời đề cử Lưu Bị nên tới Nam Dương mời Gia Cát Lượng rời núi. Có được Khổng Minh, Lưu Bị như có thêm một bộ máy trí tuệ và chiến lược tuyệt vời đủ để phục hưng nhà Hán.
Tuy nhiên, như Gia Cát Lượng đã phân tích trong đối sách Long Trung, bấy giờ Tào Tháo đã đánh bại và tiêu diệt thế lực của Viên Thiệu, một mình hùng cứ phương Bắc, là chư hầu lớn mạnh nhất thời điểm đó với cả trăm vạn hùng binh trong tay.
So với Lưu Bị còn đang bôn ba vất vả, phải nương thân khắp nơi, rõ ràng Tào Tháo có sức hấp dẫn nhân tài hơn hẳn. Mà cùng lúc đó, Tôn Quyền cũng đã trở thành bá chủ Giang Đông. Dưới sự phò tá của Chu Du, Lỗ Túc và rất nhiều thủ hạ đắc lực khác, thế cục Đông Ngô vô cùng khả quan.
Với tài năng quân sự mưu lược hay năng lực quản lý nội chính, Gia Cát Lượng nhận ai làm chủ công cũng đều có thể được trọng dụng. Thế nhưng, "từ bỏ" cả hai thế lực lớn chẳng thèm đoái hoài, Khổng Minh quyết tâm đi theo Lưu Bị gây dựng mọi thứ từ hai bàn trắng là vì lý do gì?
Thuở niên thiếu, Gia Cát Lượng sinh ra và lớn lên tại quận Lang Gia (hay Lang Nha), Từ Châu, sau Từ Châu bị Tào Tháo lãnh đạo quân đội đến tiến đánh và thảm sát.
Nhìn quê hương bị tàn phá, thậm chí có thể những người thân xung quanh đều bị giết hại, cuối cùng rơi vào cảnh cô nhi, chắc chắn hành động này của quân Tào đã để lại một tác động rất lớn trong lòng Gia Cát Lượng. Chính vì lý do này, cho dù Tào Tháo có mạnh mẽ đến đâu, chắc chắn một điều rằng Ngọa Long tiên sinh sẽ không bao giờ khuất phục và đầu quân dưới trướng Tào.
Hơn nữa, thuở trẻ Gia Cát Lượng đã thường xuyên tự ví tài mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Mà Quản Trọng là mưu sĩ phụ tá Tề Hoàn công - vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu, theo tư tưởng "Tôn vương nhương di" (Suy tôn vua chúa, xua đuổi man di), còn Nhạc Nghị thì là tướng nước Yên, phò tá Yên Chiêu Vương lấy yếu thắng mạnh, gần như tiêu diệt nước Tề hùng mạnh láng giềng.
Bởi vậy, lý tưởng của Gia Cát Lượng từ nhỏ tới lớn luôn là đi tìm một vị minh quân Hán thất và phò tá người đó phục hưng nhà Hán hưng thịnh như trước kia.
Hình ảnh Khổng Minh và Lưu Bị.
Tuy rằng Tôn Quyền cũng có thể trở thành một vị minh quân như vậy, nhưng nếu đem ra so sánh, kết hợp thân phận là dòng dõi họ hàng xa đời sau nhà Hán với uy tín danh vọng trong giới chí sĩ bấy giờ của Lưu Bị, tự dưng ông mới là sự lựa chọn phù hợp hơn cả.
Ngoài ra, anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn lúc đó đang làm quan dưới trướng Tôn Quyền. Nếu muốn gia nhập Đông Ngô, có lẽ Gia Cát Lượng đã chẳng cần ẩn cư trên núi, ngày ngày trồng trọt tại Nam Dương lâu đến thế.
Mà Lưu Bị từ đầu đến cuối luôn lấy danh nghĩa dòng dõi Hán thất, tự xưng là hậu nhân của Trung Sơn Tĩnh vương, lấy việc phục hưng Hán thất làm trách nhiệm và lý tưởng của bản thân.
Không khó để nhận ra rằng, vị minh chủ thích hợp nhất mà Khổng Minh Gia Cát Lượng đang chờ đợi chính là Lưu Bị để tuân theo đúng lý tưởng của chính mình, cho dù Tào Tháo và Tôn Quyền có hùng mạnh cỡ nào, Ngọa Long tiên sinh cũng không tới phò tá hai người họ.
Cuối cùng, Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị vào lúc ông khó khăn nhất, không vì tiền tài, không vì quyền lực, vẫn nguyện trung thành và phò tá cả con trai Lưu Bị tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay chỉ vì một thứ duy nhất, đó chính là mục tiêu, là lý tưởng phục hưng nhà Hán cao cả của mình.
Vì lý do đó, sau khi cảm nhận được sự chân thành và ý chí của Lưu Bị phù hợp với lý tưởng bản thân, Khổng Minh không do dự lựa chọn rời núi, từ đây viết nên danh hiệu một vị quân sư "tài ba lỗi lạc, thần cơ diệu toán" của thời Tam Quốc.