Nội dung chính
- Bức tranh 51.200 năm tuổi ở Indonesia
- Phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn gốc của nghệ thuật sơ khai
Được phát hiện vào cuối thế kỷ 19, hang Altamira ở miền bắc Tây Ban Nha là hang động đầu tiên trong đó các bức tranh từ thời tiền sử được tìm thấy. Nhiều người không tin rằng người tiền sử có khả năng trí tuệ để tạo ra bất kỳ loại biểu hiện nghệ thuật nào. Mãi đến năm 1902, những bức tranh này mới được công nhận là tranh gốc từ thời tiền sử.
Những hình vẽ bằng than chì và đất son mô tả ngựa, bò rừng và dấu bàn tay có trong hang Altamira nằm trong số những bức tranh hang động được bảo tồn tốt nhất trên thế giới. Được biết những bức tranh này có niên đại 35.600 năm trước và từng được công nhận là tranh hang động cổ nhất thế giới. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi bức tranh Leang Karampuang được tìm thấy.
Bức tranh Leang Karampuang: Câu chuyện săn bắn từ thời tiền sử
Được vẽ cách đây ít nhất 51.200 năm, bức tranh bên trong hang động Leang Karampuang của đảo Sulawesi, Indonesia thuộc Đông Nam Á mô tả những hình người đang săn một con lợn. Đây hiện là ví dụ còn sót lại sớm nhất về nghệ thuật biểu tượng và cách con người kể chuyện bằng hình ảnh trên thế giới.
Sử dụng kỹ thuật mới mang tên phân tích U-series bằng laser (LA-U-series), các nhà khảo cổ học đã xác định lại niên đại của một số tác phẩm nghệ thuật hang động sớm nhất ở khu vực Maros-Pangkep thuộc tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia). Họ cũng xác định niên đại của các họa tiết tương tự về phong cách tại các địa điểm khác trong khu vực.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, một cảnh săn bắn từ hang Leang Bulu' Sipong 4 - ban đầu được xác định có niên đại tối thiểu là 43.900 năm tuổi - thực chất đã có niên đại tối thiểu là 50.200 năm tuổi (± 2.200 năm). Điều này có nghĩa là bức tranh cổ xưa hơn ít nhất 4.040 năm so với suy nghĩ trước đây. Các nhà khoa học cũng xác định niên đại tối thiểu là 53.500 năm tuổi (± 2.300 năm) cho một bức tranh hang động mới được tìm thấy tại Leang Karampuang.
Xác định niên đại tranh vẽ hang động bằng kỹ thuật LA-U-series
Nghệ thuật trên đá thời tiền sử cung cấp những hiểu biết quan trọng về các nền văn hóa nhân loại trong quá khứ. Tuy nhiên, việc xác định niên đại chính xác và đáng tin cậy cho những tác phẩm này thường là một thách thức.
Trong vài thập kỷ qua, các phương pháp phân tích U-series dựa trên dung dịch đã được sử dụng để xác định niên đại ban đầu cho nghệ thuật trên đá ở một số khu vực, bao gồm Tây Âu, Đông Nam Á hải đảo và Siberia. Tại Tây Ban Nha, một bản in hình bàn tay đã được xác định niên đại bằng phương pháp phân tích U-series dung dịch của lớp canxit phủ bên trên. Kết quả cho thấy bản in này có niên đại ít nhất 64.800 năm tuổi và được cho là của người Neanderthal.
Cho đến nay, bằng chứng sớm nhất về nghệ thuật tượng hình bao gồm một bức tranh vẽ một con lợn bướu Sulawesi tại Leang Tedongnge ở Maros-Pangkep. Bức tranh này được xác định niên đại bằng phương pháp phân tích U-series dung dịch, cho thấy nó có niên đại tối thiểu là 45.500 năm tuổi.
Giáo sư Maxime Aubert (Đại học Griffith) - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã sử dụng phương pháp phân tích U-series để xác định niên đại của những tác phẩm nghệ thuật trên đá cổ xưa ở hai khu vực của Indonesia là Sulawesi và Borneo. Tuy nhiên, kỹ thuật phân tích U-series bằng laser (LA-U-series) mới của chúng tôi chính xác hơn. Nó cho phép chúng tôi xác định niên đại của các lớp canxi cacbonat sớm nhất hình thành trên tác phẩm nghệ thuật và tiến gần hơn đến thời điểm nó được tạo ra. Kỹ thuật này sẽ cách mạng hóa việc xác định niên đại nghệ thuật trên đá".
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Renaud Joannes-Boyau (Đại học Southern Cross) cho biết thêm: "Kỹ thuật tiên phong mà chúng tôi đã thực hiện cho phép tạo ra 'bản đồ' chi tiết về các lớp canxi cacbonat. Khả năng này cho phép chúng tôi xác định và tránh xa các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình diagenesis tự nhiên, bắt nguồn từ lịch sử phát triển phức tạp. Do đó, việc xác định niên đại nghệ thuật trên đá của chúng tôi trở nên đáng tin cậy hơn".
Ý nghĩa của bức tranh Leang Karampuang đối với lịch sử nghệ thuật
Phát hiện về việc bức tranh Leang Karampuang có niên đại ít nhất 51.200 năm tuổi có ý nghĩa quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của nghệ thuật sơ khai.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Adhi Agus Oktaviana - chuyên gia về nghệ thuật trên đá từ Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia ở Jakarta và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Griffith - cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi rất đáng ngạc nhiên: Không có tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nào của Kỷ Băng hà ở châu Âu có niên đại lâu đời như vậy, ngoại trừ một số phát hiện gây tranh cãi ở Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên niên đại của nghệ thuật trên đá ở Indonesia được xác định là vượt quá mốc 50.000 năm".
Các nhà khoa học cũng sử dụng kỹ thuật LA-U-series để xác định lại niên đại của các mỏ canxi cacbonat nằm chồng lên một bức tranh hang động tại hang Leang Bulu' Sipong 4.
Bức tranh này bao gồm một 'cảnh' tường thuật mô tả những hình người được hiểu là therianthropes (sinh vật nửa người nửa thú) đang săn lợn bướu và trâu lùn. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã xác định bức tranh này có niên đại ít nhất 43.900 năm tuổi. Sử dụng kỹ thuật mới, các tác giả đã chứng minh rằng, tác phẩm nghệ thuật này cổ hơn, với niên đại cách đây ít nhất 51.200 năm.
Giáo sư Adam Brumm (Đại học Griffith) - đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết: "Nghệ thuật hang động từ Leang Karampuang và Leang Bulu' Sipong 4 đã hé lộ góc nhìn mới về niên đại lâu đời và vai trò quan trọng của cách con người kể chuyện trong lịch sử nghệ thuật. Điều đáng chú ý là nghệ thuật hang động lâu đời nhất mà chúng tôi tìm thấy ở Sulawesi cho đến nay bao gồm những cảnh có thể nhận ra được. Đó là những bức tranh mô tả con người và động vật tương tác theo cách mà chúng ta có thể suy ra rằng, người nghệ sĩ muốn truyền đạt một câu chuyện nào đó".
Ông nói thêm: "Đây là một phát hiện mới lạ bởi vì quan điểm học thuật về nghệ thuật hang động tượng hình ban đầu từ lâu đã cho rằng, nó bao gồm các bức tranh một hình đơn lẻ, trong đó không có cảnh rõ ràng nào. Theo đó, cách con người kể chuyện bằng hình ảnh chỉ xuất hiện muộn hơn nhiều trong nghệ thuật của châu Âu".
Phát hiện này cho thấy rằng, cách con người kể chuyện bằng hình ảnh là một phần quan trọng trong văn hóa nghệ thuật sơ khai ở Indonesia từ rất sớm. Chuyên gia Oktaviana cho biết: "Con người có lẽ đã kể chuyện lâu hơn nhiều so với 51.200 năm. Tuy nhiên, vì ngôn ngữ nói không hóa thạch nên chúng ta chỉ có thể tìm hiểu thông qua các bằng chứng gián tiếp như mô tả cảnh trong nghệ thuật. Nghệ thuật Sulawesi hiện là bằng chứng lâu đời nhất mà khảo cổ học biết đến".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Tổng hợp