Thương vụ đình đám đặt mua 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf với trị giá 2,5 tỷ USD từ Nga đang khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ gặp rắc rối lớn trước "anh cả" NATO là Mỹ, khi Washington thể hiện rõ quyết tâm phá vỡ hợp đồng này bằng mọi cách.
Hôm 4/5, Hạ viện Mỹ đã công bố Dự luật Chính sách quốc phòng thường niên, trong đó yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động mua bán với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó trọng tâm là tiêm kích tàng hình F-35, bất chấp việc Ankara là một trong những thành viên cung cấp vốn nghiên cứu cho dự án.
Hành động trên của Mỹ đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy vô cùng tức giận, họ đang đe dọa rằng sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng, trong đó không loại trừ khả năng sẽ đặt mua tiêm kích tàng hình Su-57 như một sự thay thế.
Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đứng trước sự lựa chọn giữa 100 chiếc F-35A hay 2 tổ hợp S-400
Tuy nhiên có thể nhận thấy rõ ràng rằng Ankara khó mà gây sức ép lên Hoa Kỳ thông qua hành động trên được. Lý do đến từ việc chiếc Su-57 chưa biết bao giờ mới được Nga hoàn thiện khi thậm chí động cơ của nó còn chưa sẵn sàng.
Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không thể có Su-57 sớm trước khi Moskva sản xuất với số lượng đủ để biên chế cho các đơn vị không quân chủ lực, dự báo thời gian để Ankara sở hữu chiếc Su-57 đầu tiên (nếu họ quyết tâm mua) sẽ chẳng sớm hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, ngoài dự luật mới được Hạ viện Mỹ thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải lưu ý tới Luật về chống đối thủ của Mỹ qua biện pháp trừng phạt - CAATSA. Đạo luật này cho phép áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga, Iran và Triều Tiên, cũng như các cá nhân và công ty từ nước thứ ba hợp tác với họ.
Nếu bất chấp mọi thứ để mua vũ khí Nga, Ankara sẽ phải đối mặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế khốc liệt, chưa kể các phương tiện chiến tranh có nguồn gốc từ Mỹ mà nổi bật là phi đội tiêm kích F-16 gồm hàng trăm chiếc có nguy cơ sẽ thành sắt vụn hoặc mất sức chiến đấu khi thiếu đi sự hỗ trợ từ Washington.
Đồ họa tiêm kích tàng hình TFX của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong tình cảnh trên, phương án khả thi đối với Ankara có lẽ là tập trung hoàn thiện chiếc tiêm kích thế hệ 5 nội địa TFX hơn là cố gắng đi mua Su-57. Mẫu chiến đấu cơ này do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) thiết kế, được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Công nghiệp quốc phòng quốc tế 2013.
Ban đầu chương trình tiêm kích TFX nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Saab của Thụy Điển, nhưng hiện nay vai trò đã đổi qua cho BAE Systems của Anh. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ từng dự định đặt mua tới 250 chiếc TFX bắt đầu từ năm 2025 nhằm thay thế phi đội F-16.
Dự án TFX được cho là thu về một số thành tựu ban đầu, nhưng do đã đổ tiền vào chiếc F-35 cho nên Ankara thiên về phương án nhận máy bay từ Mỹ trong ngắn hạn để nhanh chóng hiện đại hóa không quân sau đó mới tiếp tục đầu tư cho TFX.
Nhưng với tình hình hiện tại, khi việc cung cấp F-35 bị "đóng băng" trong khi mua Su-57 để thay thế vẫn là viễn cảnh xa vời thì TFX lại đang nổi lên như phương án tối ưu.
Tuy nhiên công việc trước mắt người Thổ vẫn còn vô cùng ngổn ngang và chưa có gì đảm bảo rằng họ sẽ về tới đích. Chính vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu như trong vài ngày tới Ankara đưa ra lựa chọn cuối cùng là bỏ qua S-400 để quay về với F-35.
Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích tàng hình TAI TFX do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu phát triển