2022 là năm kỷ lục của thị trường ô tô khi đã có đến hơn 509.000 xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là năm chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng ở một số phân khúc xe, phần nào cho thấy xu hướng mua sắm mới tại thị trường Việt Nam.
Dòng xe nào được ưa chuộng nhất?
Không nằm ngoài xu hướng của thị trường quốc tế, sedan vẫn là một trong những dòng xe được người dùng trong nước chọn mua nhiều bậc nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong suốt năm 2022, đã có hơn 90.900 chiếc sedan được bán ra ở thị trường trong nước, tăng mạnh hơn 15.000 xe so với mức gần 75.600 xe của năm 2021.
Tuy nhiên, nếu cộng gộp cả dòng SUV và crossover, đây mới chính là phân khúc đạt doanh số cao nhất thị trường với tổng cộng 120.447 xe bàn giao đến tay người dùng, tăng đến hơn 21.800 xe so với một năm về trước.
Doanh số các dòng xe phổ biến tại Việt Nam năm 2022 so với 2021. Số liệu: VAMA.
Điều này phần nào phản ánh một xu hướng chung: người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các mẫu xe gầm cao, thiết kế đa dụng để sử dụng thay vì kiểu dáng sedan truyền thống.
Điều này cũng được thể hiện rất rõ từ động thái của các nhà sản xuất ô tô lớn ở Việt Nam. Nếu như năm qua, gần như không có mẫu sedan đáng chú ý nào được ra mắt mới tại Việt Nam (chỉ có một số mẫu được làm mới như Civic, Elantra…) thì ở phân khúc SUV + crossover, người ta chứng kiến hàng loạt cái tên đáng chú ý ra mắt.
Chẳng hạn, Ford lần đầu tiên đưa về nước mẫu crossover hạng C là Territory, đồng thời làm mới mũa SUV ăn khách Everest trong khi thương hiệu Kia cũng mang trở lại mẫu Sportage để cạnh tranh ở cùng phân khúc. Ở phân khúc SUV đô thị, Hyundai cũng đưa trở lại mẫu Creta như một sự thay thế cho Hyundai Kona đang giảm dần sức cạnh tranh trong khi Honda cố gắng làm mới chiếc HR-V.
Đó là chưa kể hãng xe Việt là VinFast cũng liên tục “tham chiến” ở phân khúc này với 2 model là VF e34 (cuối năm 2021) và cái tên mới tinh là VF8. Khi giải quyết được bài toán thiếu linh kiện, đây có thể sẽ là động lực tăng trưởng cho phân khúc SUV và crossover trong năm 2023 này.
Ford đưa mẫu Territory về nước cạnh tranh ở phân khúc crossover hạng C.
Nói đến động lực tăng trưởng, rõ ràng SUV đô thị là một “làn gió mới” trên thị trường ô tô Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây. Từ chỗ chỉ có 1-2 cái tên, giờ đây phân khúc này có đến cả chục mẫu xe cạnh tranh trong tầm giá 600-800 triệu đồng, sở hữu những model top đầu doanh số như Toyota Corolla Cross hay Kia Seltos.
Trong bối cảnh, các mẫu xe sedan gần như “dậm chân tại chỗ” với ít sự đổi mới thì phân khúc SUV và crossover lại thể hiện bộ mặt khác hẳn, mang đến những nét tươi mới cho thị trường cũng như đa dạng về lựa chọn cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, nếu phải tìm ra một phân khúc xe có nhiều sự tươi mới nhất năm qua, người ta phải gọi tên MPV.
Xe đa dụng “làm mưa làm gió” trên thị trường
MPV - multi purpose vehicle (xe đa dụng) mới chính là “ngôi sao mới” trên thị trường ô tô Việt Nam. Trong năm qua, dù chỉ đạt doanh số hơn 55.000 xe – xếp sau phân khúc crossover + SUV và sedan nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, đây lại là phân khúc ấn tượng nhất. Cụ thể, doanh số xe MPV tại Việt Nam đã tăng 150% trong năm qua, với mức tăng lên đến hơn 33.000 chiếc.
Toyota Veloz Cross hứa hẹn cạnh tranh sòng phẳng với Misubishi Xpander trong năm 2023.
Đây là điều dễ hiểu khi trong năm vừa qua, có đến 4 mẫu MPV mới ra mắt thị trường, nâng tổng số xe cạnh tranh ở phân khúc này lên đến 10 mẫu.
Nhắc đến MPV trước đây, người ta thường chỉ nói về cuộc đua giữa Mitsubishi Xpander và Toyota Innova mà ở đó, Innova tỏ rõ sự thất thế kể từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, trong năm 2022, Toyota đã đưa về nước mẫu Veloz Cross và chiếc xe này lập tức mang về mức doanh số cực kỳ ấn tượng, trở thành đối trọng chính để đua doanh số với Xpander.
Không đứng ngoài cuộc chơi, Hyundai cũng đưa về chiếc Stargazer trong khi Kia tham chiến với mẫu Carens. Những làn gió mới này đã tạo nên một thị trường sôi động và có thể trong năm 2023, thị trường sẽ còn sôi động hơn nữa.
Kết thúc năm 2022, Xpander đạt doanh số gần 22.000 xe, vẫn vượt xa các đối thủ nhưng Veloz Cross cũng kịp đạt doanh số hơn 14.000 xe dù “chấp” các đối thủ khác khoảng 1 quý doanh số. Kia Carnival cũng kịp bán ra hơn 9.000 xe trong khi chiếc Suzuki XL7 đạt doanh số hơn 6.000 xe.
Nốt trầm của thị trường
Trong khi hầu hết phân khúc đều tăng trưởng mạnh thì vẫn có một nốt trầm của thị trường ô tô Việt là phân khúc bán tải. Trong năm qua, có 22.762 chiếc bán tải được bán ra, giảm hơn 2.500 xe so với năm 2021. Đây cũng là phân khúc duy nhất giảm doanh số trong một năm mà thị trường ô tô Việt đạt doanh số kỷ lục.
Ở phân khúc này, Ford Ranger vẫn thể hiện sự thống trị tuyệt đối với doanh số gần 16.500 xe, cao hơn nhiều so với tổng doanh số toàn bộ các đối thủ gộp lại. Người ta cũng chứng kiến việc chiếc Hilux từ Toyota rời bỏ thị trường, Mazda BT-50 tiếp tục sụt doanh số - chỉ còn hơn 700 chiếc cả năm.