Liên tiếp trong 2 ngày 20 và 21/11/2019, Mỹ và NATO đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề khi phải thừa nhận là họ đã để mất tới 2 chiếc máy bay không người lái (UAV) tối tân, bao gồm 1 máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Italia còn Mỹ thì mất một máy bay không người lái (chưa tiết lộ chủng loại).
Vậy thủ phạm tiêu diệt những chiếc UAV hiện đại này là ai, sử dụng vũ khí nào?
Pantsir-S1 Nga "đánh từ Syria đánh sang Libya"?
Các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo được mệnh danh là sát thủ của tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Qua thực chiến ở Syria, Pantsir-S1 trong thành phần biên chế phòng không Nga đã chiến đấu xuất sắc bảo vệ an toàn các mục tiêu chiến lược như sân bay Khmeimim và quân cảng Tartus, liên tiếp bắn hạ nhiều loại UAV khác nhau, kể cả các UAV cỡ nhỏ làm bằng gỗ, composit cực kỳ khó phát hiện.
Còn trong thành phần phòng không Syria, Pantsir-S1 cũng thể hiện hiệu quả chiến đấu rất tốt khi đóng vai trò chủ công bắn hạ nhiều tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ-Anh-Pháp tập kích vào Syria hồi tháng 4/2018.
Xác xuất diệt mục tiêu của Pantsir-S1 đứng đầu bảng trong tất cả các loại tên lửa có trong biên chế của phòng không Syria.
Kết quả chiến đấu của các tổ hợp Pantsir-S1 thuộc phòng không Syria trong trận đánh hôm 14/04/2018: Đã phóng 25 đạn, diệt 23 tên lửa Mỹ-Anh-Pháp.
Chính vì thế, Pantsir-S1 hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm mua sắm.
Tuy nhiên, có tin Pantsir-S1 do Nga chế tạo lại vừa lập những chiến công mới ở Libya khi bắn hạ liên tiếp 2 chiếc máy bay không người lái tối tân của Mỹ và NATO.
Trước đó, vào ngày 18/6, truyền thông Libya đã công bố vài bức ảnh cho thấy các đơn vị quân đội quốc gia Libya (LNA) hộ tống tổ hợp phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất gần căn cứ không quân al-Jufra ở miền Trung nước này.
Quân đội quốc gia Libya (LNA) hộ tống tổ hợp phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất gần căn cứ không quân al-Jufra.
Việc được UAE bổ sung hệ thống phòng không tầm thấp tối tân này theo đánh giá sẽ giúp cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Haftar khóa chặt không phận Tripoli, nơi mà họ đã áp đặt lệnh cấm bay từ khi cuộc xung đột khởi phát đến nay.
Điểm đặc biệt của tổ hợp Pantsir-S1 xuất hiện ở Libya là hệ thống này được đặt trên khung gầm xe tải bọc thép MAN SX45 8x8 do Đức sản xuất thay vì sử dụng loại KamAZ thường thấy trên các tổ hợp Pantsir-S1 tiêu chuẩn.
Về tính năng kỹ - chiến thuật, Pantsir-S1 thừa sức bắn hạ 2 máy bay không người lái kể trên, nhưng trong khi Mỹ và NATO đang điều tra, lại có một giả thiết cho rằng hệ thống phòng không tầm thấp nói trên do Nga chế tạo dường như không phải thủ phạm, kẻ "thủ ác" có thể là một khí tài hoàn toàn bất ngờ.
Hệ thống tác chiến điện tử Nga đã "tóm sống" UAV Mỹ-NATO?
Nhà bình luận quân sự nổi tiếng David Cenciotti của tạp chí The Aviationist đã nhận định rằng Pantsir-S1 không phải là thủ phạm mà đó chính là hệ thống tác chiến điện tử mới được triển khai ở Libya.
Với những bức ảnh về một bên cánh của chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper Italia bị hạ được công bố cho thấy dường như còn khá nguyên vẹn và không có mảnh tên lửa nào xuyên qua. Do vậy có khả năng nó bị vít cổ xuống một cách từ từ chứ không phải đâm đầu xuống đất với tốc độ cao.
Vì thế, giả thiết chiếc UAV tối tân này bị một hệ thống tác chiến điện tử nào đó gây nhiễu và chiếm quyền điều khiển hoặc làm mất phương hướng tự sà xuống đất là có thể xảy ra.
Một bên cánh của chiếc MQ-9 Reaper Italia dường như còn khá nguyên vẹn.
Một chiếc MQ-9 Reaper khác của Mỹ bị Houthi bắn hạ ở Yemen đã tan xác, hầu như không còn mảnh nào nguyên vẹn.
Mặc dù Moscow luôn phủ nhận sự hiện diện quân sự của họ ở Libya, nhưng hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu đặc chủng với UAV này dường như được cung cấp bởi các nhà thầu quân sự tư nhân của Nga.
"Các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar đã phát động cuộc tiến công vào mùa Xuân năm nay nhằm chiếm giữ Thủ đô Tripoli hiện đang nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ hiệp thương (GNA) được công đồng quốc tế công nhận. Nga được cho là đã cũng cấp những hỗ trợ phi chính thức đối tới tướng Hafta thông qua nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group".
"Nga đã đầu tư rất mạnh vào các hệ thống tác chiến điện tử hạng nặng có khả năng gây nhiều, chặn tín hiệu thông tin liên lạc và điều khiển trên nhiều tần số khác nhau", Lực lượng Tác chiến điện tử phi đối xứng của Quân đội Mỹ cảnh báo trong một cuốn hướng dẫn xuất bản tháng 12/2016.
"Khí tài của Nga có thể ngắt tín hiệu của các hệ thống FM, liên lạc vệ tinh, GPS và các loại tín hiệu khác. Các hệ thống tác chiến điện tử được phát triển bởi quân đội Nga ngày càng tinh vi, cho phép gây nhiễu hiệu quả".
Vậy phải chăng 2 chiếc UAV tối tân của Mỹ và NATO bị hạ bởi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga? Câu trả lời sẽ có trong ít tuần tới, khi mà kết luận điều tra được Quân đội Mỹ và NATO công bố chính thức.