Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo chuyên về các vấn đề châu Á Michael Schuman đăng trên tờ Bloomberg.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng giống một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế bổ sung lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp công nghệ Mỹ và sử dụng những phát ngôn cứng rắn, đi ngược lại chính sách đối ngoại ưu tiên hợp tác trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào. Các chuyên gia lo ngại rằng quan hệ giữa hai "ông lớn" trên thế giới đã bị đẩy đến đỉnh điểm.
Tổng thống Trump thường bị đổ lỗi (hoặc ghi công, tùy theo quan điểm của mỗi người) vì đã khiến quan hệ 2 nước căng thẳng.
Tuy nhiên, ông Trump không phải là "thủ phạm" thực sự. Người chịu trách nhiệm về cuộc Chiến tranh Lạnh tiềm ẩn này là ông Tập Cận Bình.
Ông Tập đã điều chỉnh chính sách theo hướng khiến cho một cuộc đối đầu với Mỹ là không thể tránh khỏi, dù cho ai ngồi trong Nhà Trắng.
Những yếu tố dẫn đến cuộc đối đầu này đã tích tụ trong nhiều năm. Bắc Kinh tỏ ra không sẵn sàng xoa dịu những lời phàn nàn lâu dài của Mỹ rằng Trung Quốc đã thao túng tiền tệ, lạm dụng các công ty Mỹ và ăn cắp tài sản trí tuệ. Ở một số thời điểm, các mâu thuẫn trở nên rất gay gắt.
Nhưng trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các chính trị gia, doanh nhân và các nhà nghiên cứu Mỹ vẫn cho rằng Trung Quốc đang đi theo đúng hướng, theo định hướng thị trường hơn và mở cửa với thế giới. Những đánh giá này vẫn được giữ nguyên cho đến thời kỳ đầu ông Tập Cận Bình lãnh đạo.
Năm 2012, khi bắt đầu nắm quyền, ông Tập Cận Bình được đánh giá là một nhà cải cách. Tiếng tăm này được xác nhận trong năm tiếp theo khi ông khuyến khích các giải pháp tự do hóa thị trường.
Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc sáng lập ra Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và khởi động sáng kiến Vành đai - Con đường. Về mặt quân sự, Trung Quốc đã tăng cường năng lực lực lượng vũ trang của Trung Quốc, đe dọa ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Có lẽ ông Tập Cận Bình đã chủ quan bởi những chính quyền tiền nhiệm của Mỹ, thường chỉ phàn nàn lớn tiếng nhưng hiếm khi hành động. Hoặc có thể nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng các nhà đầu tư Mỹ vẫn sẽ tiếp tục làm ăn vì lợi ích từ thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Nhiều khả năng, chính sách đối đầu của ông Tập Cận Bình là kết quả từ việc xây dựng kỷ nguyên quyền lực của ông tại Trung Quốc. Một yếu tố quan trọng trong thông điệp của ông Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc tới vị trí vĩ đại xứng đáng.
Chính điều này đã khiến Washington cảnh giác về mối nguy hiểm thực sự của Trung Quốc. Lập trường của ông Trump phần nào là phản ứng với những thay đổi chính sách quyết liệt mà ông Tập Cận Bình mang lại.
Điều đó có nghĩa là trách nhiệm "sửa chữa" mối quan hệ này nằm trong tay Chủ tịch Trung Quốc. Cho đến khi đó, mối quan hệ với Washington sẽ tiếp tục xấu đi và thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ đối đầu giữa các siêu cường ngày càng lớn.