Tờ EurAsian Times đăng bài viết có tiêu đề: Với Typhoon, Rafale và F-15 trong kho vũ khí, Qatar là lực lượng không quân duy nhất đang vận hành "các máy bay chiến đấu" tốt nhất trên thế giới.
Theo bài viết, chiếc máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon đầu tiên của Không quân Tiểu vương quốc Qatar (QEAF) đã bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm tại Anh trước khi được chuyển giao cho Qatar (dự kiến vào cuối năm nay).
Chúng có màu sơn tương tự như "bộ cánh" của các máy bay chiến đấu F-15QA và Rafale của Qatar xuất hiện tại cơ sở Warton của BAE Systems ở tây bắc nước Anh hôm 9/5.
Quyết định đặt mua các mẫu máy bay này là một phần trong nỗ lực mở rộng và hiện đại hóa của QEAF, bắt đầu từ năm 2010. Qatar đã đặt mua 3 mẫu chiến đấu cơ Dassault Rafale, Boeing F-15 Advanced Eagle và Eurofighter Typhoon.
Đơn hàng đầu tiên đặt mua Rafale được ký kết vào tháng 3/2016, tiếp đó là đơn hàng mua các máy bay chiến đấu F-15QA vào tháng 6/2017. Sau đó, Qatar tiếp tục ký Ý định thư (LOI) để mua Typhoon vào tháng 9/2017 và đặt hàng 24 máy bay phản lực vào tháng 12 cùng năm. Thỏa thuận này trị giá khoảng 6,6 tỷ USD, trong đó còn bao gồm 6 máy bay huấn luyện tiên tiến Hawk Mk 167 (sau này tăng lên 9 chiếc), cũng như các dịch vụ hỗ trợ và huấn luyện.
Các chiến binh "Typhoon" của Qatar
Các thông tin mở hiện nay cho biết Qatar sẽ vận hành 18 chiếc Typhoon một chỗ ngồi, và 6 chiếc bản hai chỗ ngồi. Ít nhất một chiếc Typhoon phiên bản một chỗ ngồi đang được thử nghiệm tại Warton.
Typhoon, tương tự như F-15QA và Rafale, đã được QEAF đặt mua để làm máy bay chiến đấu đa chức năng với các loại vũ khí không-đối-không và không-đối-đất tiên tiến, trong đó có tên lửa không-đối-không ngoài tầm nhìn Meteor, tên lửa dẫn đường chính xác Brimstone và bom thông minh Paveway IV để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Phiên bản Typhoon một chỗ ngồi được thử nghiệm tại cơ sở Wharton của BAE System (Ảnh: Simon Pearson-Cougill)
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu Typhoon của Qatar còn được trang bị radar Leonardo European Common Radar Standard Mk 0 (ECSR Mk 0), có tính năng quét mạng pha điện tử chủ động hiện đại (AESA), đưa chúng trở thành những chiếc Typhoon đầu tiên do Anh lắp ráp có loại radar này.
ECSR Mk 0 hiện đang được lắp đặt trên các máy bay Typhoon dành cho Qatar và Kuwait, đây là một trong ba loại radar rời đang được phát triển cho chiến đấu cơ phản lực.
Một tính năng đáng chú ý của radar này là nó có thể được điều chỉnh để nghiêng sang hai bên, mang lại góc nhìn rộng hơn nhiều so với các loại radar cũ. Điều này sẽ mang lại những lợi thế chiến thuật cho máy bay trong những tình huống nhất định.
Phiên bản ECRS Mk 1 dự kiến sẽ được bổ sung cho các máy bay chiến đấu hiện có của Đức và Tây Ban Nha, cũng như được trang bị trên các mẫu máy bay phản lực mới cung cấp cho hai nước này. Trong khi đó, phiên bản ECRS Mk 2 tiên tiến hơn được lên kế hoạch thay thế cho mẫu radar quét cơ học thế hệ cũ đang được trang bị cho một phần các máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.
Hiện nay, các phi công của QEAF đang được huấn luyện trên các máy bay chiến đấu ở Anh trong một đơn vị liên kết đặc biệt giữa hai nước, gọi là Phi đoàn 12, đóng tại Lincolnshire. Đơn vị này được thành lập vào năm 2018 để cung cấp các khóa đào tạo vận hành cho các phi công QEAF.
Máy bay chiến đấu Rafale của Qatar (Ảnh: Twitter)
Chương trình mua sắm đầy tham vọng
Theo EurAsian Times, sau đợt chuyển giao các máy bay chiến đấu Typhoon đầu tiên (dự kiến diễn ra vào quý 4 năm nay), QEAF sẽ trở thành lực lượng không quân duy nhất trên thế giới có cả các máy bay chiến đấu Rafale và Eurofighter Typhoon trong biên chế. Đó là chưa kể nước này sẽ còn có các biến thể tiên tiến nhất của Boeing F-15.
Lô F-15QA được chuyển giao cho Qatar vào ngày 25/8/2021 (Ảnh: Twitter)
Trong tương lai, QEAF sẽ vận hành 36 chiếc Rafale, 36 (hoặc thậm chí 48) chiếc F-15QA và 24 chiếc Typhoon.
Kể từ năm 2010, Qatar đã bắt tay vào một trong những chương trình mua sắm vũ khí tham vọng nhất ở Trung Đông trong bối cảnh quan hệ với Saudi Arabia và UAE suy thoái mạnh sau phong trào Mùa xuân Ả Rập.
Sự suy thoái trong quan hệ khu vực đã lên tới đỉnh điểm vào tháng 6/2017 khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cùng nhau cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với nước này.
Qatar coi mối đe dọa từ Saudi Arabia và UAE là một thực tế hữu hình, đó là lý do tại sao họ tìm cách đẩy nhanh chương trình vũ khí trang bị của mình.