Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong tháng 8 đạt 459.314 tấn với kim ngạch hơn 299,6 triệu USD, giảm 59% về lượng và giảm 51,5% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô vào Việt Nam đạt hơn 7,4 triệu tấn với kim ngạch hơn 4,5 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng nhưng giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu có xu hướng giảm so với cùng kỳ, đạt 607 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ.
Về các thị trường nhập khẩu, Kuwait là nhà cung cấp lớn nhất dầu thô cho Việt Nam, đồng thời cũng là quốc gia đang chứng kiến sản lượng nhập khẩu dầu thô tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, trong tháng 8/2023, nhập khẩu dầu thô từ Kuwait đạt 271.813 tấn với kim ngạch hơn 164,58 triệu USD, giảm 67% về lượng và giảm 64% so với tháng trước đó. Tuy nhiên dù giảm so với tháng 7 nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu từ thị trường này đạt hơn 6 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD, tăng 14% về lượng nhưng giảm 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý giá dầu thô nhập khẩu bình quân đã giảm mạnh so với cùng kỳ, đạt 596 USD/tấn, giảm 166 USD/tấn, tương đương 22% so với 8T/2022.
Với hơn 6 triệu tấn nhập khẩu, quốc gia này chiếm đến 81% thị phần trong cơ cấu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.
Trong năm 2022, Việt Nam đã chi hơn 6,3 tỷ USD để nhập khẩu dầu thô từ thị trường này với hơn 8,4 triệu tấn. Cũng trong năm 2022, tổng sản lượng nhập khẩu dầu thô của nước ta đạt 10,2 triệu tấn với kim ngạch 7,81 tỷ USD, tăng 1,6% về lượng nhưng tăng vọt 50,1% về trị giá so với năm 2021.
Về sản lượng dầu thô, theo Statista, Kuwait xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm 2022 với sản lượng trung bình là 2,7 triệu thùng/ngày, tăng đáng kể so với năm 2021. Theo dữ liệu của Kpler, các lô hàng xuất khẩu dầu thô của Kuwait đã giảm khoảng 10% xuống còn 1,61 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022 khi nhà máy lọc dầu Al Zour của nước này tăng công suất vận hành, điều này dẫn đến các lô hàng dầu thô đến Việt Nam trong tháng 8 giảm so với T7/2023.
Trong nửa cuối năm, Kuwait sẽ giảm xuất khẩu tới 300.000 thùng/ngày, giảm 18% so với nửa đầu năm, do nước này chuyển nguồn cung sang nhà máy Al Zour 615.000 thùng/ngày. Theo James Forbes, nhà phân tích của FGE, trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu dầu thô của khu vực Trung Đông dự kiến sẽ giảm gần 8%, tương đương 1,35 triệu thùng/ngày, so với nửa đầu năm.