Ảnh minh họa
Vào 6 thập kỷ trước, khi các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản còn là những công ty nhỏ bên ngoài thị trường nội địa của họ, Toyota, Nissan và Honda đã bắt đầu mở rộng sản xuất ở Thái Lan. Sự hiện diện sớm của quốc gia Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng ô tô đồng nghĩa với việc nước này trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 10 trên thế giới, vượt qua các nước như Pháp và Anh.
Ngày nay, Thái Lan một lần nữa là điểm dừng chân cho tham vọng quốc tế của các nhà sản xuất ô tô - lần này là các hãng xe từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc liên tục công bố đầu tư vào các nhà máy Thái Lan. Vào tháng 3, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD (trong quý 1 đã vượt qua Volkswagen trở thành hãng xe hơi bán chạy nhất tại Trung Quốc) đã động thổ xây dựng một nhà máy xe điện ở Rayong - vốn đã là một trung tâm sản xuất ô tô.
Vào tháng 4, Changan đã tiết lộ khoản đầu tư 285 triệu USD để sản xuất những chiếc xe điện đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Và vào ngày 6 tháng 5, các quan chức Thái Lan cho biết Hozon, một công ty Trung Quốc khác, sẽ sản xuất mẫu xe điện neta V dành cho thị trường đại chúng tại Thái Lan.
"Thị trường Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn trong khi nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Chi phí để có được một khách hàng Trung Quốc mới đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết". Tu Le của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn ở Detroit, cho biết.
Trong những tháng gần đây, một cuộc chiến giá cả đã nổ ra ở Trung Quốc giữa các thương hiệu xe điện. Nhiều nhà sản xuất ô tô coi việc mở rộng ra nước ngoài là con đường chắc chắn hơn để tăng trưởng. Trung Quốc đã xuất khẩu ô tô trị giá 21 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, nhiều hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do căng thẳng địa chính trị và thương mại đang gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm kiếm một nền tảng trung lập để từ đó mở rộng quy mô toàn cầu của họ. Thái Lan, với tư cách là một đồng minh của Mỹ và là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định nới lỏng các hạn chế đối với thương mại hàng hóa trung gian, có vẻ đặc biệt hấp dẫn.
Một số ô tô sản xuất tại Thái Lan của các công ty Trung Quốc sẽ được bán ở Đông Nam Á, nơi nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Doanh số bán ô tô trong khu vực đã tăng 23% vào năm 2022 lên 3,4 triệu chiếc. Tuy nhiên họ cũng không bỏ qua thị trường châu Âu. Nghiên cứu của Allianz, một công ty bảo hiểm của Đức, cho thấy các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 4% doanh số bán xe điện ở Đức trong quý 1, gấp ba lần so với một năm trước đó. Một số khác cũng đang cố gắng để chinh phục thị trường Mỹ.
Cho dù các kế hoạch tại Thái Lan của các công ty ô tô Trung Quốc chưa chắc chắn về việc có thành công hay không, các khoản đầu tư này cũng sẽ củng cố vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á.
Vào năm ngoái, Thái Lan đã nhận được 3,4 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty ở Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), nhiều hơn so với Mỹ hoặc Nhật Bản. Ngay cả trong số các đồng minh của Mỹ như Thái Lan, lợi ích thương mại từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là quá hấp dẫn để bỏ qua.
Theo The Economist