Không phải Mỹ, 2 nước Đông Á mới là nơi có chi phí nuôi con đắt nhất thế giới

Minh Thu |

Trong Top 14 quốc gia có mức chi phí nuôi con trẻ đắt đỏ nhất thế giới, Mỹ chỉ đứng giữa khi nhường vị trí số 1 và 2 cho Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dù bạn sống ở bất cứ đâu trên thế giới, chi phí nuôi con đều vô cùng đắt đỏ. Nhưng điều khiến nhiều người không khỏi bất ngờ là Mỹ được xếp đứng ở giữa trong Top 14 các nước có mức phí nuôi con cao nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành một trong những nước có mức phí nuôi con thuộc hàng đắt đỏ nhất trên thế giới.

CNN dẫn nghiên cứu của Jefferies sử dụng dữ liệu của Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa cho thấy, Hàn Quốc đứng đầu danh sách những nước có chi phí nuôi con từ khi mới chào đời cho tới 18 tuổi ở mức cao nhất dựa theo tỷ lệ GDP bình quân đầu người.

Không phải Mỹ, 2 nước Đông Á mới là nơi có chi phí nuôi con đắt nhất thế giới - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có mức chi phí nuôi trẻ đắt nhất trên thế giới. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Xét riêng về số tiền tuyệt đối, Trung Quốc lại là một trong những nơi “rẻ nhất” để sinh con. “Nhưng khi xét theo tỷ lệ mức trung bình thu nhập, Trung Quốc lại trở thành nơi đắt nhất để nuôi con”, theo các nhà nghiên cứu của Jefferies.Trung Quốc đứng hàng thứ hai và theo sau là Italy. Mỹ lại nằm ở giữa trong Top 14 nước có mức chi phí nuôi con cao nhất khi nằm giữa Đức và Nhật Bản.

Vậy lý do gì khiến Đông Á trở thành khu vực có mức chi phí nuôi con đắt đỏ nhất? Nguyên nhân lớn nhất chính là chi phí cho giáo dục và chăm sóc cho trẻ những năm đầu đời. Nói cụ thể, các dịch vụ giáo dục và chăm sóc trẻ em và trẻ nhỏ ở Trung Quốc vẫn là lĩnh vực tư nhân.

Cụ thể, chi phí nuôi con tới năm 18 tuổi ở Trung Quốc là hơn 75.000 USD và thêm 22.000 USD để hoàn thành hết chương trình Đại học.

“Dù mức học phí ở Trung Quốc rẻ hơn so với Mỹ, nhưng có một sự khác biệt mấu chốt. Ở nhiều nước phương Tây, chuyện chính phủ có khoản vay cho sinh viên là phổ biến hơn, từ đó gánh nặng tài chính được chuyển từ cha mẹ sang con cái”, phân tích của Jefferies nhận định.

Như ở Mỹ, trong năm 2019 – 2020, 55% sinh viên tốt nghiệp Đại học gánh trên vai khoản nợ, dữ liệu của College Board cho hay.

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng chính phủ các nước có nhiều giải pháp để giảm thiểu chi phí sinh và nuôi con giúp các cặp vợ chồng như trợ cấp chăm sóc trẻ để hạn chế khoảng cách giữa những người có mức thu nhập cao và thấp.

Theo kế hoạch 5 năm được công bố, chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng số lượng trường mầm mon cho trẻ dưới 3 tuổi lên 4,5/1.000 người vào năm 2025, tăng 2,5 lần so với mức hiện thời là 1,8/1.000.

Theo báo cáo của Jefferies, hiện Trung Quốc có 42 triệu trẻ dưới 3 tuổi. Trong số này, 1/3 phụ huynh muốn cho con đi học mẫu giáo, nhưng chỉ 5,5% đủ khả năng cho con đến trường.

Nghịch lý nhân khẩu - kinh tế

Tỷ lệ sinh đẻ ở các nước giàu có thường thấp hơn nhiều so với những quốc gia đang phát triển. Đây gọi là “nghịch lý nhân khẩu - kinh tế”, nghĩa là những người giàu có hơn sẽ chọn sinh con ít hơn so với người có thu nhập thấp.

“Trong bối cảnh Trung Quốc phát triển kinh tế, khả năng cao quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng nghịch cảnh nhân khẩu - kinh tế giống như nhiều nước phát triển khác, và tỷ lệ sinh sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với nhiều người mong đợi”, phân tích của Jefferies nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc hiện chọn không sinh con thứ 2 do chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng. Trong khi phương Tây có xu hướng muốn sinh 2 – 3 con, thì phương Đông đi ngược lại.

Điều quan trọng hơn là tỷ lệ kết hôn ở phương Đông cũng đang có xu hướng sụt giảm mạnh. Ngoài ra, trong văn hóa của người châu Á, chuyện sinh con khi chưa kết hôn không phổ biến như ở phương Tây.

Xu hướng nhân khẩu học như tỷ lệ sinh đẻ cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và kinh tế của một quốc gia. Khi quốc gia có dân số già, gánh nặng đối với hệ thống phúc lợi gồm hưu trí và an sinh xã hội cũng sẽ rất lớn. Dần dần theo thời gian, hoạt động sản xuất sẽ phải chuyển sang tự động hóa để bù đắp nguồn nhân lực bị thiếu hụt.

Chưa hết, xu hướng nhân khẩu học cũng tác động tới các công ty và thị trường chứng khoán, dù sự ảnh hưởng này sẽ xảy ra trong vài chục năm tới.

Do đó, Jefferies hy vọng chính phủ các nước sẽ có thêm biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nuôi trẻ nhất là ở Trung Quốc. Những phương pháp này có thể là giảm thuế và hỗ trợ tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại