1. Sau khi Ronaldo bùng nổ với cú hattrick để tạo nên màn lội ngược dòng ngoạn mục cho Juventus trước Atletico Madrid, chắc chắn tất cả ánh mắt đều hướng về Messi, khi đúng 1 ngày sau Barcelona tiếp đón Lyon trên sân Nou Camp.
Và siêu sao người Argentina thong thả đáp lời sông núi bằng cú đúp bàn thắng lẫn kiến tạo. Gã khổng lồ xứ Catalonia thắng 5-1 và Messi in dấu giày 4/5 bàn, liệu có thể đòi hỏi hơn? Không những thế, cả 4 pha xử lý đem đến bàn thắng của Messi đều ấn tượng và cho thấy tài nghệ siêu quần.
Đầu tiên là tình huống sục bóng kiểu Panenka trên chấm 11m. Tiếp đến là pha đột phá theo hình zigzag xộc thẳng vào vòng cấm địa khiến hai trung vệ đối phương quay cuồng rồi dứt điểm thành bàn. Cuối cùng là hai đường chuyền tinh tế và chuẩn xác như lưỡi dao bác sỹ phẫu thuật cho Pique và Dembele ghi bàn.
Tuy nhiên, nếu đánh giá Messi là nguồn cảm hứng giúp Barca chiến thắng tương tự điều Ronaldo đem đến cho Juventus e rằng chưa thật xác đáng. Bởi lẽ trước khi Messi lên tiếng, Suarez đã thay mặt đồng đội đáp lời CR7, mặc dù suốt 90 phút tiền đạo người Uruguay chỉ có 1 kiến tạo, thông số quá tệ cho một tiền đạo.
Đi sâu vào chi tiết, Suarez chính là nhân vật tạo ra ảnh hưởng lớn nhất ở giai đoạn nhạy cảm nhất của trận đấu. Ở bàn thắng mở tỷ số, người đem về quả 11m cho Barca và cho Messi chính là Suarez. Một quả phạt đền gây tranh cãi và phản ánh tính cách của tiền đạo người Argentina. Đó là sự hắc ám.
Hãy xem kỹ lại tình huống dẫn đến quả 11m, hậu vệ Lyon phạm lỗi với Suarez hay Suarez phạm lỗi với hậu vệ Lyon? Quả thực Suarez là người kiểm soát bóng và chiếm ưu thế còn Denayer, hậu vệ Lyon là người chuồi bóng. Tuy nhiên, khi mà Denayer chưa kịp tác động lên Suarez thì Suarez đã… giẫm vào chân Denayer rồi ngã ra lăn lộn.
Mặc dù vậy, từ trọng tài chính Szymon Marciniak đến VAR với công nghệ tân kỳ đều bị Suarez đánh lừa. Một khía cạnh khác, giả dụ Suarez không ngã vật ra mà tiếp tục đi bóng, ở vị trí sát đường biên như thế, cơ hội để Barca ghi bàn liệu có cao bằng một quả phạt đền. Tóm lại, tất cả đều nằm trong toan tính của quái kiệt người Uruguay.
2. Ở bàn thắng nhân đôi cách biệt, Suarez thể hiện phẩm chất vượt trội thứ hai của anh so với phần còn lại. Đó là đẳng cấp chơi bóng. Chỉ bằng ba chạm, khống chế, đẩy và chuyền bóng, tất cả đều chuẩn mực, Suarez đã loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự đối phương và nhiệm vụ còn lại của Coutinho chỉ là đệm bóng vào lưới trống.
Để dễ nhận biết công lao của Suarez ở hai bàn thắng tiên quyết ấy, có thể dựa trên xG (Bàn thắng kỳ vọng). Một quả phạt đền có xG là 0,87, còn bàn thắng của Coutinho xG còn cao hơn nữa, lên đến 0,93. Điều đó có nghĩa trong hai tình huống nêu trên, Suarez đã mang về bàn thắng kỳ vọng cho đồng đội lên tới 1,8, thế nên nhiệm vụ còn lại cho Messi và Coutinho là quá đơn giản.
Mở rộng vấn đề, nếu không có 2 tình huống tạo biến ấy của Suarez, chưa chắc Messi đã có được một màn trình diễn phi phàm như đã đề cập ở đầu bài viết. Tất nhiên, tài nghệ của siêu sao người Argentina là điều khỏi phải bàn cãi song ở La Pulga thiếu đi sự lì lợm, ý chí và bản lĩnh để tỏa sáng ở những thời điểm khó khăn.
Đây là hệ quả của sự bảo bọc từ gia đình đến đội bóng. Đi đâu Messi cũng là số một và anh chưa bao giờ có ý định thoát ra khỏi vùng an toàn ấy. Ronaldo thì khác. Càng khó khăn anh càng mạnh mẽ. Một chàng trai đã vượt qua mặc cảm nhà quê tại Lisbon, mặc vừa chiếc áo huyền thoại số 7 huyền thoại của Man United khi mới đôi mươi và bắt kịp chính thiên tài Messi sau 7-8 năm liền bám đuổi thì việc tỏa sáng giúp đội nhà lội ngược dòng đâu phải vấn đề.
Suarez thì dị biệt hơn, thuộc dạng cầu thủ lề đường bụi bặm tại Nam Mỹ, nơi những chú bé chơi bóng cũng như va đập với xã hội bằng bản năng và sự tinh quái. Thế nên cách xử lý của họ rất khó đoán và bất chấp. Đâu phải đợi đến trận đấu đêm qua Suarez mới dẫm chân đối phương rồi nằm lăn quằn quại.
Và hẳn cũng chưa ai quên cánh tay của Suarez đã giơ lên như thế nào để cản bàn thắng của Ghana tại World Cup 2010. Cả đất nước Ghana xem anh là kẻ thù, fan trung lập thì chỉ trích hành động của anh là phản bóng đá nhưng tổ quốc lại xem anh là người hùng.
Đó là dạng cầu thủ chính tà bất minh, đem tới cảm xúc tột cùng theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực, y hệt Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ai đã đọc bộ truyện này đều biết Lệnh Hồ thiếu hiệp trải qua bao trắc trở bởi sự giàu tình cảm, đúng như câu vị trưởng lão ma giáo Khúc Dương dành tặng chàng: "Người giàu tình cảm thì chính tà bất minh".
Những Lệnh Hồ Xung như thế không còn nhiều trong thập kỷ này.