Không phải lithium hay đất hiếm, Trung Quốc sở hữu một nguyên liệu sản xuất pin xe điện bằng cả thế giới cộng lại, Việt Nam cũng sở hữu hàng chục triệu tấn

Như Quỳnh |

Nhờ sở hữu dồi dào loại nguyên liệu này, Trung Quốc đã sản xuất ra 97% vật liệu làm cực dương pin cho thế giới.

Không phải lithium hay đất hiếm, Trung Quốc sở hữu một nguyên liệu sản xuất pin xe điện bằng cả thế giới cộng lại, Việt Nam cũng sở hữu hàng chục triệu tấn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc là nhà sản xuất than chì hàng đầu thế giới với 67% nguồn cung của toàn cầu ở dạng tự nhiên. Theo dữ liệu của USGS, trữ lượng than chì đã được chứng minh của Trung Quốc vào năm 2022 vào khoảng 52 triệu tấn, chỉ đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.

Than chì, một dạng kết tinh của carbon, là vật liệu chính ở cực dương của hầu hết các loại pin lithium-ion. Loại pin này có thể chứa lượng than chì gấp khoảng 5-10 lần so với các vật liệu quan trọng khác như lithium.

Các nhà sản xuất pin có thể sử dụng than chì tự nhiên được khai thác từ các mỏ để chế tạo cực dương. Họ cũng có thể sử dụng than chì tổng hợp, thường đắt hơn nhưng bền hơn, giúp pin sạc nhanh hơn và cải thiện độ an toàn. Ngoài ra, than chì cũng được sử dụng đề sản xuất sợi carbon ở máy bay và tàu vũ trụ.

Không phải lithium hay đất hiếm, Trung Quốc sở hữu một nguyên liệu sản xuất pin xe điện bằng cả thế giới cộng lại, Việt Nam cũng sở hữu hàng chục triệu tấn- Ảnh 2.

Sản lượng than chì của Trung Quốc chiếm đến 77% của toàn thị trường. Theo Statista

Theo số liệu từ Statista, Trung Quốc đã sản xuất ra 97% vật liệu làm cực dương pin cho thế giới trong năm 2023, được dẫn đầu bởi gã khổng lồ than chì nhân tạo Shanghai Shanshan Technology và BTR New Material Group.

So với năm 2022, sản lượng vật liệu cực dương trên toàn thế giới đã tăng 20% vào năm ngoái, đạt 1,8 triệu tấn. Trong đó BTR sản xuất khoảng 22% tổng sản lượng, đứng đầu thế giới về công suất trong năm thứ 11 liên tiếp. Shanshan là nhà sản xuất vật liệu cực dương than chì nhân tạo chính trên toàn cầu, cung cấp 19% tổng sản lượng với lô hàng 1,7 triệu tấn trên toàn thế giới và chiếm 95% thị phần Trung Quốc.

Cực dương dạng bột dùng để lưu trữ điện tích trong pin lithium-ion, thường được làm từ hỗn hợp than chì tự nhiên được khai thác và than chì tổng hợp, được sản xuất bằng cách nung than cốc kim đến nhiệt độ lên tới 3.000°C.

Gần đây, Mỹ cho biết, mức thuế 25% đối với cực dương than chì tổng hợp từ Trung Quốc sẽ được áp dụng từ tháng này. Động thái này diễn ra sau thông báo vào tháng 5 về mức thuế 25% của Mỹ có hiệu lực từ năm 2026 đối với than chì tự nhiên được xử lý ở Trung Quốc. Trong khi trước đó, các quan chức Mỹ đã cấp quyền miễn trừ hai năm kể từ tháng 1/2025 cho phép các phương tiện có pin chứa than chì của Trung Quốc tiếp tục đủ điều kiện nhận trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Georgi Georgiev, nhà phân tích nguyên liệu thô về pin tại công ty tư vấn Fastmarkets cho biết: “Than chì đã nổi lên như 'gót chân Achilles' của Washington trong cuộc căng thẳng thương mại với Bắc Kinh…

Chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận rằng các nhà sản xuất pin cần than chì của Trung Quốc trong thời gian ngắn nếu bất kỳ phương tiện nào đủ điều kiện nhận trợ cấp của IRA. Nhưng họ quyết tâm đóng lỗ hổng đó càng sớm càng tốt, giúp các công ty chỉ mất vài năm để xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn toàn mới gần như từ đầu”.

Trong thời gian chờ đợi, Trung Quốc có khả năng hạn chế xuất khẩu than chì hoặc cực dương để trả đũa các biện pháp của Mỹ, hoặc ngược lại là tăng nguồn cung để hạ giá hơn nữa, đe dọa khả năng tồn tại của các dự án ngoài Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã cảnh cáo vào tháng 10/2023 bằng cách đưa ra yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đặc biệt đối với ba loại than chì.

Còn tại Việt Nam, nước ta sở hữu các mỏ than chì tập trung chủ yếu tại vùng Tây Bắc với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 26 triệu tấn, còn lại là khu vực Trung Bộ khoảng 3 triệu tấn.

Theo Oilprice, FT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại