Không phải là “giải pháp thay thế TPP”, hiệp định này sẽ giúp nâng cấp kinh tế Việt Nam ra sao?

Vương Diệu Quân |

Trong bối cảnh TPP đã kết thúc, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định EVFTA sẽ giúp sức trong việc cải cách thể chế và “nâng cấp mức độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam”.

Điểm khác biệt giữa EVFTA với “giải pháp thay thế TPP” - RCEP

Gần đây, có nhiều quan điểm hướng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), coi đó như một giải pháp thay thế cho TPP. Thực tế, đây là FTA được khởi xướng bởi Trung Quốc, với hạt nhân là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 6 quốc gia khác (gồm: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc). Hiệp định này không đặt ra những “tiêu chuẩn của thế kỷ 21” làm khó nhiều thành viên có nền kinh tế với trình độ phát triển trung bình và thấp trong ASEAN.

Đối chiếu vào 3 nội dung bao trùm của FTA thế hệ mới, RCEP chỉ đơn thuần hạ thấp thuế quan mà không bao gồm những cam kết “đằng sau biên giới” như cách thức nhà nước ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, quan hệ lao động,...

Cuối tháng 12 năm 2016, WTO cho biết vẫn chưa cấp “Quy chế kinh tế thị trường” (MES) cho Trung Quốc. Nước này cũng đang bị EU cáo buộc bán phá giá cũng như trợ cấp thiếu công bằng từ. Điều này khiến việc nâng cấp RCEP thành FTA thế hệ mới là gần như không thể, đặc biệt khi RCEP dự kiến sẽ được ký kết ngay cuối năm 2017.

Trong bối cảnh TPP vấp phải nhiều trở ngại, ông Nguyễn Đình Cung nhận định EVFTA trở nên “cực kỳ quan trọng với Việt Nam”. Với EVFTA, Việt Nam sẽ tham gia hiệp định thương mại tự do cùng 28 nước thuộc liên minh châu Âu (EU). Trong đó, đa số các nước thuộc EU là thành viên OECD, có nền kinh tế với trình độ phát triển rất cao.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, EVFTA sẽ giúp sức trong việc cải cách thể chế và “nâng cấp mức độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam”. Con số đánh giá mức độ thị trường hiện tại cho thấy Việt Nam đang kém các nước OECD 20 điểm (Việt Nam: 51 điểm, các nước thuộc OECD: 70-90 điểm).

Những nâng cấp trong thể chế kinh tế do tác động từ EVFTA

Theo Báo cáo “Ảnh hưởng của EVFTA đến thể chế và chính sách” do CIEM công bố, EVFTA sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc điều chỉnh về thể chế. Các tác động trực tiếp liên quan đến cam kết mà Việt Nam phải đáp ứng bao gồm rà soát văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. 

Tác động gián tiếp không quy định trong FTA, nhưng buộc Việt Nam chú ý nếu muốn tận dụng lợi thế và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Nhiều thách thức sẽ đặt ra với Chính phủ “nếu coi EVFTA như một công cụ để thúc đẩy cải cách kinh tế” – bản báo cáo viết. Khi EVFTA trở thành hiện thực, Chính phủ sẽ phải giải quyết những bất cập của quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực thi và giám sát chính sách trong 3 vấn đề lớn: môi trường đầu tư; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước.

Về môi trường đầu tư, hiện Việt Nam bị đánh giá khá thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nghiên cứu cho thấy Việt Nam đứng thứ 100/140 đối với bảo vệ nhà đầu tư và 74/140 đối với thực thi hợp đồng. 

Để chuẩn bị cho thực thi EVFTA, luật pháp và thể chế sẽ phải tập trung vào 6 điểm liên quan đến đầu tư, kinh doanh, và thi hành phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài về tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư.

Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn phải tự cải thiện để thúc đẩy dòng vốn FDI và tiếp cận với hàng hóa từ EU. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – CIEM, đánh giá nghị quyết 19 của Chính phủ đã đi đúng hướng và cần tiếp tục thực hiện.

 Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chính phủ cần rà soát, sửa đổi, loại bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, EVFTA có quy định rõ ràng trong Chương 10. Bất chấp sự khác biệt giữa hai bên (Việt Nam và Liên minh châu Âu) liên quan đến định nghĩa doanh nghiệp nhà nước, phía EU yêu cầu Việt Nam không phân biệt đối xử và bảo đảm không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết, “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước sẽ được thành lập vào năm nay (2017) nhằm “bảo đảm tính trung lập của doanh nghiệp nhà nước”. Trong quá khứ, CIEM đã từng đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý phần vốn chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình Temasek (Singapore) và Sasac (Trung Quốc).

Bên cạnh 3 vấn đề lớn nêu trên, Bộ Công thương còn nhận thấy EVFTA động chạm đến những điều trước giờ không cam kết như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động,... Nhưng từ quan điểm của Bộ, ông Hoàng Văn Phương (Vụ chính sách thương mại đa biên) thừa nhận tất cả đều phù hợp với yêu cầu cải cách thể chế và mong muốn bay cao của nền kinh tế Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại