Rắn hổ mang, rắn đuôi chuông, rắn đen Mamba... - đây đều là những cái tên khét tiếng trong họ nhà rắn. Nọc độc của chúng đều thuộc hàng mạnh nhất thế giới, có thể lấy mạng một con mồi cỡ lớn (bao gồm cả con người) chỉ bằng một cú mổ rất nhẹ nhàng.
Tuy nhiên lẩn khuất giữa những khoảng rừng xanh giữa New Guinea và Liberia (Tây Phi), các chuyên gia mới tìm ra một loài rắn "lạ". Dù sở hữu nọc độc không quá mạnh, nhưng xét trên một vài góc độ thì chúng còn kinh khủng hơn. Bởi lẽ, loài rắn này có thể mổ mà không cần mở miệng.
Cặp nanh chìa ra khóe miệng cho phép con rắn này tấn công mà không cần mở miệng
Đây thực sự là một khả năng "độc quyền" của phân loài rắn stiletto (hay còn gọi là rắn dao găm). Chúng có một cặp nanh rất dài, đủ để thòi ra thụt vào ở ngay bên khoé miệng. Điều này cho phép chúng mổ theo phương ngang, và chẳng cần phải mở miệng vẫn tấn công được con mồi.
Loài rắn đầy thách thức với cả giới chuyên gia
Theo các chuyên gia từ Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Berlin (Đức), việc bắt giữ loài rắn này thực sự cần phải hết sức cẩn thận, nếu không muốn phải trả giá.
Lần đầu khoa học phát hiện ra những con rắn mới này là vào buổi đêm, trong một khu rừng tại Liberia. Các chuyên gia khi đó đã tiếp cận con rắn theo cách truyền thống - tức là tóm lấy gáy của nó từ phía sau. Tuy nhiên, đó lại là một sai lầm.
"Dù bị tóm từ phía sau, con rắn vẫn liên tục tìm cách tấn công." - Mark-Oliver Rödel, tác giả nghiên cứu cho biết.
May mắn là lần đó không có ai bị thương, và dù có bị cắn trúng thì cũng không đến mức thiệt mạng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nọc độc của chúng không nguy hiểm.
Rödel cho biết, nọc của chúng là loại có khả năng gây tổn hại đến tế bào, khiến nạn nhân đau đớn, vết cắn sưng phồng và gây tổn thương mô nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở chỗ hiện vẫn chưa có thuốc giải cho nọc của loài rắn này, nên nạn nhân nếu không được xử lý sớm có thể phải cắt bỏ cả ngón tay vì hoại tử.
Ngón tay của một nạn nhân bị loài rắn này mổ trúng
Cẩn trọng hơn sau lần tiếp cận đầu tiên, các chuyên gia đã thu thập thành công 2 mẫu rắn khác tại trang trại cafe phía Đông Nam Guinea, cách Liberia khoảng 27km. Cả 3 mẫu vật đều có dáng mảnh, cơ thể khá mạnh mẽ và đầu cong tròn.
Danh pháp khoa học của chúng được đặt là Atractaspis branchi, và mới đây chúng chính thức được đưa vào danh sách 21 loài rắn thuộc phân loài stiletto.
Theo các chuyên gia, đây là một trong những loài đặc hữu tại rừng mưa Thượng Guinea - khu vực có hệ sinh thái đa dạng, nhưng đang gặp nhiều nguy hiểm do nạn chặt phá rừng, khai khoáng, và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Tuy nhiên vào lúc này, vẫn chưa thể biết chính xác mức độ nguy cấp của chúng. Đây là câu hỏi cần các nghiên cứu khảo sát khác trả lời trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoosystematics and Evolution.
Tham khảo: Science Alert