Nếu là một fan của Tam quốc diễn nghĩa chắc hẳn sẽ không quên được việc Lưu Bị phải ba lần tới mời, với được Gia Cát Lượng chấp nhận. Theo đó, sau khi được Từ Thứ và Tư Mã Huy tiến cử Gia Cát Lượng, Lưu Bị hết sức vui mừng, cùng Quan Vũ và Trương Phi sắm sửa lễ vật, đến Long Trung cầu kiến Ngọa Long tiên sinh. Thế nhưng lần thứ nhất đến Gia Cát Lượng không có nhà. Lần thứ hai trở lại vẫn uổng công.
Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự , và cũng là một nhà phát minh của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Đến lần thứ ba Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng nên mới có câu "Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiền". Lưu Bị được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự.
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị. Sự kiện "tam cố thảo lư" có thực sự diễn ra hay chỉ là do La Quán Trung hư cấu vẫn còn nhiều tranh cãi.
Có thể nói, khi nhắc đến thời kỳ Tam quốc là nói đến thời kỳ anh hùng hội tụ, cao nhân xuất thế. Trong Tam quốc diễn nghĩa có vô số các bậc kỳ tài mà chỉ cần nghe đến uy danh cũng đủ làm cho quân thù khiếp đảm. Nổi bật nhất trong số đó có thể kể đến như Quách Gia, Chu Du, Tư Mã Ý, Bàng Thống, Gia Cát Lượng…
Đặc biệt là Gia Cát Lượng, dụng binh như thần, có tài tiên đoán sự việc không sai không lệch. Tuy nhiên, có một cao nhân, một bậc kỳ tài mà đến cả Gia Cát Lượng cũng phải kính cẩn nghiêng mình bội phục nhưng lại ít người biết đến, đó chính là Tư Mã Huy.
Tư Mã Huy còn gọi là Thủy Kính tiên sinh.
Tư Mã Huy, tự Đức Tháo, hiệu Thủy Kính, còn gọi là Thủy Kính tiên sinh, người Dĩnh Xuyên, không rõ năm sinh năm mất, sống cuối thời Đông Hán (Hán mạt và Tam quốc).
Tương truyền ông là danh sĩ có tài kinh bang tế thế, kiến thức hơn người. Ông từng rất muốn báo ơn quốc gia, nhưng nhìn thấy Hoàng đế ngày đêm hoan lạc tửu sắc, đại thần tranh quyền đoạt lợi, vì vậy Thủy Kính tiên sinh mới từ bỏ ý niệm làm quan, trở về Kinh Châu mở một lớp học.
Mục đích không chỉ là truyền thụ tư tưởng trị quốc và tài năng của bản thân, mà còn để đào tạo một thế hệ kiệt xuất mới có thể giải cứu triều đại Đông Hán.
Tương truyền ngoài Gia Cát Lượng và Bàng Thống, lứa học trò kiệt xuất của ông còn rất nhiều cái tên nổi tiếng khác như Từ Thứ, Thôi Châu Bình hay Thạch Quảng Nguyên.
Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tư Mã Huy xuất hiện ở Chương 37: "Tư Mã hai lần tiến cử danh sĩ, Lưu Bị ba phen tới thảo lư", là một nhân vật phụ xuất hiện khá ngắn nhưng đủ nói lên được cái tài bao trùm thiên hạ của ông.
Lưu Bị gặp được Thuỷ Kính tiên sinh.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, sau khi Thái Mạo (có bản dịch là Sái Mạo) là tướng quân của Lưu Biểu đem quân phục kích Lưu Bị, Lưu Bị may mắn thoát chết, vượt qua suối Đàn Khê gặp được Thuỷ Kính tiên sinh.
Sau khi thấu rõ sự tình, Lưu Bị biết được Thuỷ Kính tiên sinh là người thấu tỏ trời đất trong thiên hạ, mong được Thuỷ Kính tiên sinh trợ giúp, nhưng ông đã từ chối, sau đó Lưu Bị xin Thuỷ Kính tiên sinh tiến cử hiền tài.
Thuỷ Kính tiên sinh nói: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ", Lưu Bị mới sốt sắng hỏi Ngọa Long, Phượng Sồ là ai thì Thuỷ Kính tiên sinh mỉm cười nói thiên cơ bất khả lộ.
Lưu Bị lại một lần nữa mạo muội mong được Thuỷ Kính tiên sinh hạ sơn trợ giúp nhưng ông lấy cớ tuổi đã quá chiều, ngày tháng còn chẳng còn nhiều, chỉ muốn làm bạn với non xanh nước biếc.
Giữa lúc u sầu ngập lối vì chưa tìm được quân sư trợ giúp thì Từ Thứ xuất hiện. Vốn dĩ Từ Thứ muốn đến chỗ Lưu Biểu đầu quân nhưng sau khi quan sát hai ngày, Từ Thứ nhận định Lưu Biểu là người: "Tuy có lòng thiện nhưng không có trí lớn, yêu người thiện mà không biết dùng, ghét kẻ ác mà không biết trị" nên bỏ quay về. Thuỷ Kính tiên sinh liền tiến cử ông với Lưu Bị, Từ Thứ sau hồi từ chối cũng thuận lòng phò tá.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, về sau Từ Thứ vì trúng kế của Tào Tháo mà phải từ biệt Lưu Bị, Thuỷ Kính tiên sinh nghe nói Từ Thứ bỏ đi, mới đến hỏi thăm, nghe Lưu Bị nói chuyện đó Thuỷ Kính tiên sinh Tư Mã Huy dậm chân nói rằng Thứ đã trúng kế Tào Tháo, Từ mẫu (mẹ Từ Thứ) tính tình cương nghị, phen này Từ Thứ không về thì mẹ sống, mà về nhất định mẹ Từ Thứ sẽ chết. Lưu Bị sửng sốt, hồi lâu mới đem chuyện Gia Cát Lượng hỏi Thuỷ Kính tiên sinh.
Thuỷ Kính tiên sinh biết trước được kết cục của Gia Cát Lương khi đi theo phò tá cho Lưu Bị.
Thuỷ Kính tiên sinh nói: "Từ Thứ ra đi rồi thì chớ, còn làm phiền đến người này làm chi. Gia Cát Lượng ngồi nhàn ở Ngọa Long Sơn (có bản dịch là Ngọa Long San), thường tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Nhưng thực ra tài người này không thể tưởng tượng được, có thể ví như Khương Tử Nha làm nên sự nghiệp 800 năm nhà Chu, Trương Lương làm nên sự nghiệp 400 năm nhà Hán vậy. Ngọa Long mà bữa trước tôi nói với tướng quân, chính là Gia Cát Lượng, còn Phượng Sồ là Bàng Thống".
Lưu Bị nghe Thuỷ Kính tiên sinh thuyết giảng, như người tỉnh cơn mê, dứt khoát tìm gặp bằng được Gia Cát Lượng.
Nói rồi Thuỷ Kính tiên sinh trở về, tới cổng than thở một mình: "Gia Cát Lượng gặp được minh chúa xong không gặp thời. Đáng tiếc thay!".
Sau này được Gia Cát Lượng phò tá, Lưu Bị đã mở ra một kỷ nguyên mới, trùng hưng Hán thất, lập nhà ra nhà Thục Hán, tuy nhiên sự nghiệp thống nhất Trung Nguyên của ông và Gia Cát Lượng không thực hiện được, cả hai đành ngậm tiếc nuối mà qua đời. Điều này quả ứng nghiệm với những gì Thuỷ Kính tiên sinh nói. Đủ thấy tài nhìn người, đoán tương lai tài tình của Thuỷ Kính tiên sinh.