Theo thông tin từ Baidu, Cao Cầu thật trong lịch sử giữ chức thái uý năm 1117 vào cuối thời Bắc Tống (kéo dài từ 960 đến năm 1279), dưới thời Tống Huy Tông (trị vì từ năm 1100 đến năm 1126). Đây là vị hoàng đế thứ 8 của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Mặc dù giữ chức quan võ cao cấp, nhưng thực chất Cao Cầu không có chiến công gì cho triều đình. Đơn giản vì giỏi thúc cúc (một trò chơi bóng đá cổ đại Trung Quốc), Cao Cầu rất được hoàng đế sủng ái. Ngoài ra, người này có một chút năng lực về viết thư pháp, thơ ca, võ thuật.
Một phần cũng do Hoàng đế Tống Huy Tông đắm chìm trong lạc thú, không thiết triều chính nên những kẻ như Cao Cầu mới được dùng. Y nổi tiếng là kẻ tham lam, sống trục lợi.
Nhà văn Thi Nại Am đã lấy hình ảnh Cao Cầu ngoài đời này "tiểu thuyết hóa" cho "Thủy Hử". Trong "Thủy Hử", cùng với Dương Tiễn, Đồng Quán và Sái Kinh, Cao Cầu thuộc "Tứ đại gian thần", là một nhân vật phản diện, đầy mưu mô và thủ đoạn.
Là nhân vật hư cấu điển hình của phe phản diện nên trong nhiều phiên bản phim truyền hình hoặc điện ảnh, Cao Cầu thường có kết cục cao nhất của một kẻ tiểu nhân phản bội: Cái chết. Chỉ khác là ở các phiên bản phim khác nhau, Cao Cầu lại bị "xử tử" theo những cách khác nhau, tùy vào dụng ý thông điệp muốn truyền tải của đạo diễn.
Trong phim "Lâm Xung" (1986), một bản phim kinh điển về hình tượng Lâm Giáo đầu lẫy lừng, trung nghĩa và cũng chịu vô vàn khổ đau vì mất mát người thân. Cao Cầu đã bị Lâm Xung giết chết bằng một nhát giáo chí mạng, khi y đang trốn trong một chiếc quan tài.
Còn trong phim "Võ Tòng - Anh hùng Lương Sơn Bạc" (tựa tiếng Anh "Wu Song") sản xuất năm 2013, Cao Cầu đã bị hai anh hùng khác là Yến Thanh - Võ Tòng giết.
Tuy vậy, thực tế trong lịch sử thì Cao Cầu chết năm 1126. Sau khi lên ngôi, hoàng đế thứ 9 nhà Bắc Tống là Tống Khâm Tông đã cách chức, tịch thu tài sản của Cao Càu. Y bị thất sủng, sau cùng chết trong bệnh tật.
Tham khảo: Baidu, Sohu