Ít ngày trước, nhà rò rỉ có tài khoản Twitter (hay X) có tên "Majin Bu" đã chia sẻ một loạt hình ảnh được cho là các chi tiết của cổng sạc USB-C trên một chiếc iPhone 15 Plus với điểm đáng chú ý là con chip gọi là 3LD3.
Con chip này được cho là nhằm hạn chế tốc độ sạc và để tận hưởng tốc độ sạc nhanh hơn (với công suất trên các mẫu Pro và Pro Plus có thể lên tới 35W), người dùng sẽ phải sử dụng bộ sạc được Apple chứng nhận.
Và ít giờ trước, "Majin Bu" đã tiếp tục rò rỉ loạt ảnh mới được cho là liên quan tới thay đổi thiết kế quan trọng trên các mẫu iPhone 15.
Ảnh: Twitter/Majin Bu.
Cụ thể các bức ảnh cho thấy Apple có thể sẽ tích hợp khe SIM vật lý trùng với cổng sạc USB-C thay vì ở bên hông trên các mẫu iPhone hiện nay.
Được biết rò rỉ này không ảnh hưởng đến các mẫu iPhone được bán ở Mỹ vì kể từ dòng iPhone 14, Apple đã loại bỏ khe SIM vật lý và những chiếc smartphone (điện thoại thông minh) này chỉ có eSIM.
Trả lời yêu cầu bình luận của trang tin công nghệ Apple Insider về rò rỉ nói trên và tầm quan trọng của nó, chuyên gia sửa chữa có tên Fudge cho rằng đây là một thay đổi khá nhỏ trong cách thức hoạt động của iPhone 15.
Và mặc dù nó có thể không ảnh hưởng đến công việc bảo hành và sửa chữa của Apple cũng như các đối tác ủy quyền của họ, nhưng nó sẽ là vấn đề lớn với các cơ sở không liên kết với hãng và những người tự sửa chữa điện thoại.
Tức là nếu cổng sạc USB-C hoặc khe SIM có vấn đề, việc thay thế sẽ yêu cầu thực hiện trên toàn bộ cụm thiết bị chứ không phải các chi tiết đơn lẻ. Tuy nhiên vẫn có một tin vui là việc chuyển đổi các thiết bị eSIM (ở thị trường Mỹ) sang SIM vật lý sẽ đơn giản hơn.
Cần lưu ý rằng trong một bài đính chính liên quan tới con chip 3LD3 kể trên của "Majin Bu", nhà rò rỉ này cho biết không có bất kỳ mã hóa nào được tìm thấy trong chip - đây được coi là một thông tin khá nhiều ý nghĩa.
Điều đó có nghĩa là việc sửa chữa cụm khe SIM và sạc USB-C sẽ không cần sự cho phép của Apple (sử dụng linh kiện chính hãng) hoặc có thể sẽ không có bộ sạc USB-C MFI (chứng nhận tương thích của Apple cho các nhà sản xuất phụ kiện).
Cũng cần nhấn mạnh rằng theo Apple Insider, "Majin Bu" có xu hướng đăng lại thông tin trên các mạng xã hội Trung Quốc và không phải lúc nào các rò rỉ về sản phẩm Apple theo nguồn này đều chính xác.
Ảnh: Twitter/Majin Bu. |