Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp.
Hạ tầng số và văn hóa số
Để Việt Nam chuyển đổi số thành công, hạ tầng số phát triển được xem là điều kiện tiên quyết. Cũng chia sẻ tại Diễn đàn trên, đại diện từ tập đoàn viễn thông Viettel cho biết hạ tầng số gồm 2 phần: Hạ tầng vật lý và hạ tầng phi vật lý.
Về hạ tầng vật lý, nhìn thấy rất rõ là doanh nghiệp viễn thông hiện nay đang đóng vai trò rất quan trọng bao gồm kết nối và truyền tải. Các mạng cáp quang cũng như mạng di động 3G, 4G và sắp tới là 5G sẽ đóng vai trò rất then chốt trong hạ tầng kết nối này. Trên thực tế, hạ tầng kết nối như cáp quang đã được phát triển đến cấp hộ gia đình, khi 70- 80% hộ gia đình hiện nay đã có kết nối cáp quang.
Phần thứ 2 trong hạ tầng vật lý là gồm xử lý, dữ liệu, lưu trữ, phân tích và các vấn đề về xác thực dữ liệu.
Phần thứ 3 trong hạ tầng vật lý để hỗ trợ cho kinh tế số là hạ tầng thanh toán.
"Khi nói về hạ tầng vật lý mọi người thường chỉ nhìn thấy các doanh nghiệp viễn thông, nhưng thực sự trong thời gian tới, quy mô đầu tư cho hạ tầng vật lý sẽ rất lớn và nó đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội", đại diện Viettel chia sẻ.
Vị này lấy ví dụ sự chuyển biến tích cực về đầu tư hạ tầng vật lý bằng việc trước đây các đơn vị cung cấp kết nối đến hộ gia đình hoàn toàn do các doanh nghiệp viễn thông, thì ngày nay dựa vào những quy chuẩn, ở các chung cư mới, chủ đầu tư có thể cung cấp kết nối cáp quang tới khách hàng. Điều tương tự hiện cũng diễn ra tại các khu công nghiệp khi các doanh nghiệp phát triển khu chế xuất khu công nghiệp đã có thể cung cấp hạ tầng.
Theo đó, hạ tầng kết nối quy mô đường trục toàn quốc sẽ do doanh nghiệp viễn thông thực hiện, nhưng với các khu vực, khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà, văn phòng thì sự đầu tư là của toàn xã hội. Đại diện Viettel cho rằng cần có những quy chuẩn về kỹ thuật để việc kết nối được thông suốt.
Về khía cạnh hạ tầng phi vật lý, một trong những thứ quyết định đến thành công của chuyển đổi số là khuôn khổ hành lang pháp lý. Hiện nay đã có những thử nghiệm mới về chuyển đổi số được các cơ quan quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox). Tuy nhiên, đại diện Viettel cho rằng nếu đợi pháp lý tiến độ sẽ rất chậm và kiến nghị xây dựng pháp lý theo nguyên tắc cơ bản và hướng tới môi trường số nhiều tự do hơn, nhiều sáng tạo và nhiều thử nghiệm hơn.
"Chúng tôi thấy rằng nên xây dựng hạ tầng về văn hóa. Chúng ta nói đến chuyển đổi số, các diễn giả, các nhà phân tích lớn nhất đều cho rằng khó nhất trong chuyển đổi số không phải là công nghệ, mà là văn hóa. Làm sao để văn hóa chấp nhận cái mới, văn hóa chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại", đại diện Viettel kiến nghị. Đây là cũng 1 trong những yếu tố của hạ tầng phi vật lý. Dù là doanh nghiệp nhà nước nhưng Viettel cũng mong muốn nhà nước, cơ quan quản lý có văn hóa như vậy, giúp những cái mới có điều kiện được đưa ra nhiều hơn để phát triển.
"Văn hóa số là yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công, chuyển đổi số thành công thì mới có nền kinh tế số", đại diện Viettel khẳng định.
Văn hóa chấp nhận rủi ro của Israel
"Chúng ta cũng cần học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro. Khởi nghiệp là hình thức đầu tư mạo hiểm, 5 phần thắng, 5 phần thua là đã may lắm rồi. Đây là cuộc chơi dành cho người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi ro", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng khẳng định trong Hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam – Bài học từ Israel".
Không chỉ là tấm gương kinh điển về khởi nghiệp, Israel còn là hình mẫu chuyển đổi số thành công. Phí tổn nghiên cứu và phát triển của công dân chiếm 4,5% tổng sản phẩm nội địa – bằng nửa mức của Mỹ, Đức hay Hàn Quốc, mức đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người của Israel gấp 2,5 lần mức của Mỹ, 6 lần của Vương quốc Anh.
Roy Ramon, giám đốc quản lý chương trình Intel Ingenuity Partner cho biết, Intel là một trong số các nhà tuyển dụng lớn nhất ở Israel, với 11.000 nhân viên trên toàn quốc. Công ty này lần đầu tiên thành lập trung tâm nghiên cứu tại Israel cách đây khoảng hơn 40 năm và hiện đang vận hành một vài trung tâm trong khu vực, trong đó có một khu vực tuyển chọn công ty khởi nghiệp.
Ramon ca ngợi "chutzpah" của người Israel - đó là một từ tiếng Yiddish có nguồn gốc từ từ tiếng Do Thái ḥutspâ (חֻצְפָּה), có nghĩa là "táo bạo," "liều lĩnh," hoặc "bạo dạn." Trong kinh doanh, từ này thường được sử dụng để mô tả sự tự tin của một cá nhân, và Ramon cho biết đó là một "công cụ hữu ích" mà người Israel sở hữu.
"Lý do tôi bắt đầu chương trình khởi nghiệp là bởi vì khi bạn [một công ty] gặp mặt với một công ty ở Israel, họ bước vào và nói với các kỹ sư rằng họ đang làm sai mọi việc", Ramon cho biết. "Họ đẩy mọi thứ ra khỏi bàn làm việc. Các kỹ sư này đã làm việc trong nhiều năm. Họ là các chuyên gia thế giới. Vậy mà công ty khởi nghiệp đó đủ táo bạo để bước vào chú voi ma mút Intel và nói rằng họ đang làm sai bét mọi thứ. Đó là một nền văn hóa mà bạn không thể có được ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới."
Còn với Don Dodge, người đảm nhận công việc phát triển đối tác tại Google cho biết: "Công việc của tôi tại Google là tới khắp nơi trên thế giới và nói chuyện với các nhà phát triển, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư. Tôi từng đến mọi ngóc ngách trên trái đất. Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, toàn bộ Âu, Bắc Âu, mọi nơi. Không có quốc gia nào khác trên trái đất này tư duy theo cùng một cách với chúng tôi [Google] ngoài Israel.
"Israel thực sự là 'quốc gia khởi nghiệp.' Các bạn tư duy giống chúng tôi. Các bạn phá vỡ, các bạn tạo dựng, các bạn sáng tạo. Điều đó rất đặc biệt", Don Dodge từng chia sẻ.
Có trụ sở đặt tại Mountain View, California, Google lần đầu tiên mở một văn phòng tại Israel vào năm 2006, khi gã khổng lồ tìm kiếm này vẫn còn giống như một công ty khởi nghiệp khi lên 5 tuổi.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…