Nếu đã xem qua các bộ phim cổ trang hay những tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc, nhiều người hẳn cũng đã quen thuộc với phong thái tiêu tiền không tiếc tay của các đại hiệp thời xưa.
Nhìn vào điều kiện cuộc sống của thường dân bách tính thời bấy giờ, mỗi bữa ăn của các đại hiệp này hoàn toàn có thể so sánh với phú thương nhà giàu khi đó.
Đặc biệt là sau khi dùng bữa xong, những người này phần lớn đều sẽ nhanh chóng ném lên bàn mấy lượng bạc mà thậm chí chẳng chờ lấy lại tiền thừa.
Thế nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, các đại hiệp thời xưa không có công việc ổn định. Vậy thì nguồn kinh tế để họ có thể tiêu tiền không tiếc tay như vậy ở đâu ra? Lẽ nào các đại hiệp bôn tẩu giang hồ thời ấy đều xuất thân là con nhà giàu?
Theo quan điểm của Qulishi, thực chất những vị đại hiệp này đều có thể coi là người có tiền, hoặc nếu không thì ít nhất cũng chẳng phải rầu rĩ vì kế sinh nhai như thường dân bách tính. Nguyên nhân là bởi thu nhập của họ đến từ nhiều nguồn dưới đây.
Nguồn thu thứ nhất: Tiền từ môn phái
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
"Người tới là ai xin mời xưng danh" – Đó chính là câu chào hỏi quen thuộc của người trong giang hồ võ lâm mà chúng ta có thể bắt gặp nhiều trên các bộ phim truyền hình hay trong tiểu thuyết.
Theo đó, các đại hiệp thời xưa mỗi khi xưng danh, ngoại trừ tên họ của mình thì còn phải kèm theo tên môn phái, hơn nữa tên môn phái thường sẽ được đọc trước.
Đây là điều vô cùng trọng yếu khi hành tẩu giang hồ. Bởi một khi nghe tới tên môn phái, đối phương sẽ biết được rằng kẻ đứng trước mắt mình có vai vế ra sao, có phải là người dễ đụng tới hay không.
Trên thực tế, vào thời cổ đại, đại đa số các môn phái đều rất mực giàu có. Họ sở hữu trong tay không ít sản nghiệp, mà ví dụ tiêu biểu chính là phái Hoa Sơn – bang phái thậm chí có hẳn một ngọn núi đặt theo tên của mình.
Cũng bởi vậy mà các môn phái này vừa có thể tự cung tự cấp về cái ăn cái mặc, hơn nữa mỗi năm còn có không ít người tới đóng tiền học phí.
Do đó, các môn sinh thuộc những môn phái này mỗi khi đi ra ngoài làm việc ắt sẽ không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Bên cạnh đó, vào thời cổ đại, có nhiều môn phái còn mang màu sắc tôn giáo, ví dụ như phái Võ Đang, phái Thiếu Lâm, Minh giáo…
Những môn phái này ngoài các khoản thu về tiền học phí của môn sinh thì còn được hưởng thêm tiền nhang đèn của các tín đồ. Do đó tiền bạc càng không phải là vấn đề có thể làm khó họ.
Nguồn thu thứ hai: Dùng bản lĩnh để kiếm tiền
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngoại trừ hai nguồn thu nói trên, có một số ít các môn phái độc lập về kinh tế.
Nếu là môn sinh của các bang phái này, các đại hiệp có thể dùng võ công của mình để kiếm được mức thu nhập tương đối cao thông qua những công việc như làm hộ vệ hoặc làm tiêu cục.
Cũng bởi vậy mà một vài tiêu cục nổi tiếng như Long Môn tiêu cục, Phú Uy tiêu cục… tuy rằng không có trong tay núi vàng núi bạc nhưng tiền bạc cũng thuộc vào hàng sung túc.
Tuy nhiên trên thực tế, loại hình bang phái kiếm được nhiều tiền hơn cả chính là Đường Môn. Bởi nguồn thu nhập chính của họ đến từ công việc sát thủ.
Theo Qulishi, trong hầu hết các loại hình tiểu thuyết, phim ảnh, võ công lợi hại nhất của Đường Môn chính là dùng ám khí. Nếu đã dùng ám khí để kiếm cơm thì nghề sát thủ được xem là lựa chọn thích hợp hơn cả.
Mặc dù tài lực bỏ ra để chế tạo ám khí, đào tạo sát thủ cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ, thế nhưng số tiền mà các phi vụ làm ăn này thu lại cũng khiến cho Đường môn có được khoản lời lãi khổng lồ.
Nguồn thu thứ ba: Tiền lương "công chức"
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đối với các đại hiệp muốn đi làm "công chức", họ có hai con đường để lựa chọn.
Con đường thứ nhất là hợp tác với triều đình, tiêu biểu cho số này chính là các "thợ săn tiền thưởng".
Con đường thứ hai là trực tiếp dựa vào triều đình, lập công vì quốc gia, tiêu biểu như nhân vật Quách Tĩnh trong tiểu thuyết của Kim Dung.
Vào thời xưa, triều đình sẽ có không ít tình huống buộc phải dán lệnh truy nã. Trên thực tế, lệnh truy nã này không phải cho thường dân bách tính xem mà là tin tức nhằm công bố với các "thợ săn tiền thưởng" thời bấy giờ.
Khi đó, thu nhập một năm của người bình thường chẳng qua cũng chỉ đến vài lượng bạc, mà tiền thưởng khi bắt được một kẻ tội phạm có thể đạt tới cả ngàn lượng.
Từ đó không khó để tưởng tượng được rằng, các đại hiệp với võ công cao cường thời ấy chỉ cần một lần bắt được tội phạm truy nã là đã có thể hưởng một đời ấm no.
Còn đối với những đại hiệp lựa chọn con đường phụ thuộc hoàn toàn vào triều đình, quan phủ sẽ cấp cho họ chức vụ. Tới lúc ấy, họ sẽ được hưởng bổng lộc từ triều đình, việc cơm ăn áo mặc tất sẽ chẳng còn là gánh nặng.
Nguồn thu thứ tư: Cướp của người giàu chia cho người nghèo
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đây cũng được xem là nguồn thu trọng yếu nhất và cũng là công việc thường thấy nhất của các đại hiệp – cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Theo đó, các đại hiệp này sẽ dùng võ công của mình để nhắm tới mục tiêu là tài sản của các phú thương làm giàu bất chính, sau đó lấy đi tiền tài của họ, phần lớn đem chia cho người nghèo, số ít còn lại thì giữ cho mình.
Từ những nguồn thu nói trên, không khó để nhận thấy rằng mặc dù không sinh ra trong những gia đình giàu có, thế nhưng các đại hiệp thời xưa với bản lĩnh và danh tiếng của mình hoàn toàn có thể có nhiều con đường kiếm tiền, từ đó không phải lo lắng về chuyện tiền bạc như những thường dân bách tính khác.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).