Việc Hải quân Nga dùng tên lửa P-800 Oniks thuộc hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P để tấn công vào các mục tiêu mặt đất của quân nổi dậy tại Syria là sự kiện nóng nhất ngày hôm nay.
Truyền thông quốc tế tỏ ra cực kỳ bất ngờ với tính năng chưa từng được công bố của loại đạn chống hạm tối tân này, họ đã cố gắng tìm cách giải thích cơ chế dẫn đường của P-800 khi thực hiện nhiệm vụ trên.
Khai hỏa tên lửa P-800 Oniks thuộc hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P
Khả dĩ nhất là tên lửa Oniks sẽ nạp dữ liệu về tọa độ mục tiêu và bay theo quán tính có tham chiếu hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, khi đó sai số sẽ vào khoảng 150 m, đây là con số quá lớn, rất khó chấp nhận khi đặt giá trị của quả đạn (3 triệu USD) cùng với đối tượng mà nó tiêu diệt lên bàn cân.
Còn nếu như dựa vào dữ liệu tích tụ từ các phương tiện thiết giáp (đầu đạn tên lửa có thể phân biệt được tia phát ra từ kim loại trên nền sa mạc), hoặc theo tia phản xạ của chủ thể nào đó như trạm radar... thì độ chính xác sẽ tăng vọt lên, chỉ dao động trong khoảng 1 m. Tuy nhiên phương thức này mang đậm chất "ăn may" do các vật chuẩn không hề cố định.
Nhưng kết quả thu được quá hoàn hảo, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu với độ chính xác gần như tuyệt đối, từ đó dẫn tới nghi vấn rằng quả đạn này thực chất không phải Oniks và đoạn video ghi lại cảnh hệ thống Bastion-P khai hỏa chỉ mang tính chất "tung hỏa mù" mà thôi.
Đây có thực sự là kết quả của cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm Oniks
Đang tồn tại "Thuyết âm mưu" cho rằng thực ra trong trận đánh vừa rồi, tổ hợp tên lửa hành trình đối đất Iskander-K với đạn R-500 tầm bắn 2.500 km đã lần đầu tiên được thử lửa. Hệ thống này đã có mặt từ lâu tại Syria trong vỏ bọc của Bastion-P do chúng cùng sử dụng loại xe mang phóng tự hành dựa trên khung gầm cơ sở MZKT-7930.
Hệ thống Iskander-K với tầm bắn xa, độ chính xác cao, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân... nếu xuất hiện trong khu vực sẽ gây ra quan ngại và phản ứng rất mạnh từ các quốc gia thành viên NATO hay thậm chí cả Israel và một vài quốc gia Arab không thân thiện, vì vậy nếu như Nga phải lặng lẽ triển khai tổ hợp này thì cũng là điều dễ hiểu.
Xe mang phóng tự hành dựa trên khung gầm MZKT-7930 của tổ hợp Iskander-K mang 2 đạn R-500
Diễn biến mới nhất, khi Nga tuyên bố sử dụng tên lửa Oniks thuộc hệ thống Bastion-P để tấn công mục tiêu mặt đất rất có thể là động thái đánh tiếng, nhằm khiến cho các đối thủ phải ngầm hiểu rằng họ đang nằm trong tầm bắn của R-500, từ đó sẽ phải cân nhắc thiệt hơn thật kỹ lưỡng khi muốn leo thang xung đột.
Nghệ thuật quân sự vốn đặc trưng bởi tính "hư hư thực thực" rất khó lường, nếu những nhận định trên là chính xác thì đây quả thực là một nước cờ vô cùng cao tay của người Nga!