Giới phân tích tin rằng sự manh động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib sẽ khiến nước này phải trả một cái giá đắt trước Nga . Bởi hơn tất cả, Ankara đang đối đầu với không chỉ một đối thủ mà là hai.
Không phải 1 đấu 1
Thổ Nhĩ Kỳ có thể thắng khi "một chọi một" với quân đội Syria, nhưng có thêm Nga thì khác.
Căng thẳng giữa Ankara và Damascus tiếp tục sôi sục khi quân đội Syria ngó lơ lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng tiến công ở Idlib. Trong phát biểu mới nhất của mình, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố một cuộc tấn công đáp trả của nước này sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Đánh giá về những tuyên bố của ông Erdogan, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs - Fyodor Lukyanov cho rằng, có vẻ như người Thổ Nhĩ Kỳ khá quyết tâm trong việc biến lời đe dọa của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, với việc Idlib trở thành đấu trường địa chính trị giữa Ankara và Damascus, người Nga cũng không thể nằm ngoài cuộc.
Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng quân sự lớn thứ hai của NATO - có thể giành chiến thắng lớn nếu họ chỉ phải đối mặt với quân đội Syria, theo Mikhail Khodarenok, một đại tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng không Nga nói với RT.
"Thổ Nhĩ Kỳ có đủ năng lực chiến đấu và khả năng hoạt động, trang thiết bị quân sự và nhân lực đủ để đánh bại lực lượng của Tổng thống Assad trong vài ngày", ông nói với RT.
Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả trong kịch bản tốt nhất, bởi trên thực tế quân đội Syria sẽ không chiến đấu một mình. Nga - một đồng minh của Damascus và cũng là đối tác không kém phần quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ là nhân tố tạo nên sự thành bại của cuộc chiến.
"Thất bại của đồng minh Syria sẽ là một thảm họa cho các nỗ lực chống khủng bố của Moscow trong 5 năm qua, cũng như chính sách Trung Đông nói chung", Khodarenok cảnh báo. "Rất khó có khả năng Nga chỉ biết đứng nhìn đồng minh của mình tàn lụi".
Bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại quân đội Syria rất có thể sẽ vô tình va chạm phải người Nga - chẳng hạn như quân cảnh đang tuần tra một số khu vực của Syria - Aleksey Khlebnikov, chuyên gia về Trung Đông từ Trung tâm Carnegie Moscow, nói với RT.
"Không chỉ yểm trợ quân đội Syria bằng không lực, Nga còn đóng vai trò răn đe trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào các mục tiêu của Syria", chuyên gia Khlebnikov nói.
Sự can thiệp ở một mức nào đó của Moscow khiến cho việc ra mặt công khai của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một lựa chọn ít khả thi hơn, bởi dấn tới sẽ là nguy cơ xung đột với một thành viên Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân và gây ra một cuộc đối đầu chung giữa Nga và NATO.
Cái giá quá lớn
Ankara đã phải trả giá đắt trong trường hợp làm mối quan hệ với Moscow xấu đi, như đã được chứng minh bởi sự cố bắn hạ Su-24 của Nga vào tháng 11/2015.
Sau sự cố đó, Nga đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và các doanh nghiệp, làm tê liệt ngành nông nghiệp và du lịch nói riêng.
Theo các nhà phân tích, cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả một khi manh động ở Syria hiện tại thậm chí còn cao hơn so với thời điểm u ám cách đây 5 năm.
Sau khi hòa giải sự cố Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga thông qua việc mua các hệ thống phòng không S-400 - một thỏa thuận mà Ankara rất coi trọng, khi sẵn sàng chống lại áp lực của Mỹ và thậm chí hy sinh cả chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35.
Tuy nhiên, nếu khẩu súng hai bên chĩa vào nhau ở Idlib, Nga sẽ không bán bất kỳ vũ khí tương tự nào như S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa, tờ RT nhận định.
Một dự án hợp tác cấp cao khác là đường ống TurkStream, cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Istanbul - thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và các khu công nghiệp phụ cận.
Nga đã từng không ngần ngại tạm dừng xây dựng dự án vào năm 2015, như là một phần của gói trừng phạt khi đó.
Hợp tác giữa Moscow và Ankara cũng vượt ra ngoài khuôn khổ các vấn đề kinh tế và quốc phòng. Ngoài việc hợp tác trong tiến trình hòa bình Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây còn là hai nhà lãnh đạo điều phối cuộc chiến ở Libya.
Do đó, sẽ không có một cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, vì cả hai phụ thuộc vào nhau quá lớn. Về cơ bản hai nước sẽ có sự sắp xếp cần thiết.
Tuy nhiên, điều này có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào các nỗ lực ngoại giao của Nga, khi họ phải nói rõ cho Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng, lựa chọn một con đường quân sự sẽ không dẫn tới đâu.