The Bulgarian Military, tổ chức phi chính phủ HALO Trust đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện khả năng phát hiện mìn ở Ukraine, nơi được coi là bãi mìn lớn nhất thế giới. Với khoản tài trợ 4 triệu đô la từ Amazon Web Services, HALO sử dụng AI để phân tích hình ảnh máy bay không người lái, giúp rút ngắn thời gian phân tích từ nhiều ngày xuống chỉ còn vài giờ.
Máy bay không người lái rất hiệu quả trong việc phát hiện các loại mìn được rải trên mặt đất ở Ukraine, điều này giúp HALO rà phá mìn nhanh hơn và an toàn hơn. Sau 542 chuyến bay của máy bay không người lái và thu thập được 11 terabyte dữ liệu, HALO đặt mục tiêu sử dụng công cụ AI này vào cuối năm, thiết lập một tiêu chuẩn mới cho hoạt động rà phá bom mìn toàn cầu, ngay cả ở những nơi đầy thách thức như Colombia.
Hoạt động của HALO Trust
HALO Trust (Tổ chức hỗ trợ sự sống ở khu vực nguy hiểm), là một tổ chức nhân đạo, hoạt động chủ yếu là rà phá bom mìn và vật liệu nổ, với hơn ba mươi năm kinh nghiệm. Dự án lần này trị giá 4 triệu USD, được tài trợ một phần bởi Amazon Web Services, một công ty con của Amazon.
Ukraine là nơi được chọn để tiến hành dự án, bởi quốc gia này hiện được đánh giá là bãi mìn lớn nhất thế giới, với hơn hai triệu quả mìn rải rác khắp cả nước. Khoảng một phần ba diện tích đất của nước này có thể cần phải rà phá bom mìn để đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Theo Vox, mìn trên đất liền trong vùng xung đột xuất phát chủ yếu từ hỏa lực pháo binh, với nhiều đầu đạn chưa nổ và các loại mìn chống tăng, mìn chống bộ binh, được binh sĩ hai phía triển khai trong chiến đấu.
"Ukraine hiện là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nhiều nhất thế giới, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để thử nghiệm những công nghệ mới", Matthew Abercrombie, giám đốc nghiên cứu và phát triển tại The HALO Trust, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sandboxx News. "Cho dù có nguồn lực vô hạn, thì quy mô ô nhiễm lớn cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để loại bỏ. Vì vậy, bất kỳ công nghệ hiện đại nào được sử dụng cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn", ông nói thêm.
Abercrombie cũng đề cập đến một lý do khác khiến Ukraine trở thành nơi hoàn hảo để thử nghiệm AI trong việc rà phá bom mìn. Nhiều quả mìn được đặt trên bề mặt, không phải chôn dưới đất. Điều này cho phép máy bay không người lái của HALO Trust chụp hình dạng và chi tiết của các quả mìn bằng camera RGB.
Đến cuối tháng 6/2024, HALO Trust đã hoàn thành 542 chuyến bay không người lái, thu thập được 11 terabyte dữ liệu bản đồ bom mìn. Abercrombie nói với Sandboxx News rằng, những chuyến bay này đã diễn ra trong hơn một năm. Dữ liệu là quá nhiều để con người có thể phân tích, xử lý. Tất cả thông tin thu thập được đều được lưu trữ an toàn và không được chia sẻ với các nhóm quân sự hoặc dân sự khác. Công việc rà phá bom mìn chủ yếu do 1.200 nhân viên HALO tại Ukraine thực hiện. Sandboxx News cho biết: "Thách thức chính là nhanh chóng phân tích các hình ảnh để chúng có ích".
Sử dụng công nghệ AI
Thời gian là yếu tố quan trọng. Jennifer Hyman, giám đốc truyền thông của HALO chỉ ra rằng, hầu hết thương vong dân sự do bom mìn xảy ra khi mọi người đang cố gắng trở về nhà. Công nghệ của họ nhằm mục đích nhanh chóng xác định hoạt động và thiệt hại của con người, giúp tìm ra những khu vực an toàn hơn để mọi người di chuyển và định cư. Abercrombie giải thích: "Con người có thể mất hai ngày để xem xét hình ảnh máy bay không người lái bao phủ một vài hecta. Nhưng AI có thể thực hiện việc này chỉ trong khoảng một giờ".
Để lập trình cho AI phát hiện chính xác các loại mìn cần nhiều thời gian và nhiều hình ảnh dữ liệu về hàng trăm loại mìn. Các nhà quan sát nhân quyền lưu ý rằng, Nga và Ukraine đã sử dụng ít nhất 13 loại mìn chống tăng và chống bộ binh trong cuộc xung đột này.
HALO đang nghiên cứu một công cụ AI để giúp phát hiện mìn nhanh hơn. Tổ chức này hy vọng sẽ có phiên bản cơ bản cho nhóm của họ ở Ukraine vào cuối năm nay. Họ cũng có kế hoạch sử dụng công nghệ này ở các quốc gia khác như Colombia, nơi sử dụng máy bay không người lái sẽ dễ hơn là để con người tìm kiếm vì địa hình đồi núi hiểm trở.
Chiến sự ở Ukraine vẫn đang rất căng thẳng và sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức cho các tổ chức như HALO. Theo The Washington Post, một số nước châu Âu cũng đang cân nhắc sử dụng các thiết bị giá rẻ nhưng nguy hiểm như mìn để tăng cường khả năng phòng thủ của họ.