Ông Phương (Nam Ninh, Trung Quốc) từng có một người con trai và con gái. Nhưng cả 2 đều qua đời sớm vì nhiều lý do khác nhau. Vợ ông cũng qua đời vì bạo bệnh khi ông bước sang tuổi 50.
Sau khi mất đi những người thân yêu nhất, người đàn ông không tái hôn mà chọn sống một mình trong căn hộ cũ. Bám trụ tại thành phố đến năm 60 tuổi, cụ ông này quyết định bán căn nhà đang ở để chuyển về quê sống gần anh em họ hàng.
“Trong một lần đi họp lớp, tôi có cơ hội nói chuyện với vài người bạn. Nhiều người sau thời gian ở thành phố đã chuyển về quê sinh sống. Mọi người đều cho rằng giá cả ở nông thôn dễ chịu hơn. Nhờ thế, họ chi tiêu thoải mái và không bị áp lực về tài chính. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định bán căn nhà ở thành phố, được khoảng 1,5 triệu NDT (khoảng 5,3 tỷ đồng)”, ông Phương kể lại.
Cầm số tiền này trong tay, cụ ông về quê mua một mảnh đất, dựng nhà và bắt đầu cuộc sống mới. Sau hơn 16 năm, đến thời điểm hiện tại, cuộc sống vẫn chỉ có một mình nhưng ông không cảm thấy cô đơn và tẻ nhạt.
Ông thường mời bạn bè đến nhà tụ tập ăn uống vào mỗi cuối tuần. Ông thân thiện với đám trẻ con trong xóm. Vườn cây nhà ông được xem là nơi vui chơi với tụi nhỏ. Mùa nào thức nấy, cứ đến mùa trái cây là tụi nhỏ lại được ông mời đến vườn để hái lượm thỏa thích.
Ông cho biết sau khi dùng tiền bán nhà để mua đất ở quê có dư một khoản nên đã quyết định gửi tiết kiệm. Nhờ thế, ông có thêm một chút tiền hàng tháng từ tiền lãi. Đó cũng là “điểm tựa” để cụ ông yên tâm hơn những năm tháng sau này khi không có lương hưu.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông Phương thấy yêu đời. Dẫu không có vợ con nhưng ông không cảm thấy cô đơn. Để vui với cuộc sống hiện tại, ông cho biết đã biết sớm “đầu tư” vào 3 thứ quan trọng này:
“Đầu tư” cho sức khỏe
Ông Phương cho biết cơ thể là nền tảng của mọi thứ. Không có sức khỏe thì mọi thứ sau đó đều vô ích. Hiểu được điều này, cụ ông 76 tuổi luôn “đầu tư” thời gian để chăm sức khỏe bản thân. Ngày nào, ông cũng dậy sớm để chạy bộ, kể cả ngày nắng cũng như ngày mưa.
Đều đặn, 6 tháng, ông lại bắt tàu lên thành phố để kiểm tra sức khỏe. Khi có dấu hiệu bất thường, ông nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Cụ ông cho rằng dù nghèo khó đến đâu cũng không được bỏ quên sức khỏe.
Chính quan niệm này nên ở tuổi 76, ông Phương vẫn khỏe mạnh, không mắc các bệnh cao huyết áp hay tim mạch như những người cùng lứa tuổi. Ông càng không tốn kém tiền để mua thuốc. Thay vào đó, ông dành tiền để mua những thực phẩm bổ dưỡng để tẩm bổ cơ thể.
“Đầu tư” cho kiến thức
Hiện ở quê nhà, ông Phương mở một tiệm sửa chữa đồ điện gia dụng. Để nâng cao tay nghề, ông thường mua thêm sách về đọc. Giờ đây, ông còn học thêm cách sử dụng điện thoại thông minh để xem cả các video hướng dẫn trên Internet. Nhờ sửa chữa được nhiều loại đồ dùng, quán của ông ngày một đắt hàng.
Ông cho biết học không chỉ để nâng cao kiến thức, mở rộng tầm hiểu biết mà còn giúp duy trì sự minh mẫn. Dù ở độ tuổi nào, không ngừng nâng cao giá trị của bản thân bằng cách học tập là việc làm cần thiết.
“Đầu tư” cho tinh thần
Tinh thần quyết định tất cả. Nếu có một thái độ lạc quan và đối mặt với mọi chuyện thì dù cuộc sống có khó khăn đến đâu bạn cũng có thể bình tĩnh vượt qua. Cũng giống như hoàn cảnh của ông Phương. Bà xã đã rời xa, con cái cũng không còn, ông tập làm quen với cuộc sống một mình. Nếu không có tâm lý tốt, có lẽ nhiều người sẽ sống trong đau khổ những ngày cuối đời.
Để đối mặt với thực tế như vậy, cụ ông dành thời gian và tiền bạc để “đầu tư” cho những sở thích cá nhân nhằm củng cố đời sống tinh thần. “Tôi thường nhắc bản thân dù bận rộn đến đâu thì mỗi tháng cũng dành thời gian đi du lịch, khám phá miền đất mới gần xa vì đây là khoảng thời gian giúp tôi hạnh phúc. Nhờ vậy mà tôi quen được nhiều bạn hưu trí mới để cùng nhau chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm, mỗi ngày đều tràn đầy hứng khởi”.