Sau nhiều cố gắng không mang lại thành công thì họ - những người lựa chọn con đường khá lạ lùng là "đi cùng người khác" - hiện đang cảm thấy rất hạnh phúc. Đồng thời tìm được công việc hằng mơ ước: Không làm gì mà vẫn có thu nhập ổn định.
Anh Shoji Morimoto người Nhật Bản và cô gái Khả Khả người Trung Quốc là 2 minh chứng điển hình cho việc dù "không làm gì" nhưng vẫn mang lại "rất nhiều ý nghĩa".
Tại sao lại là cho thuê chính mình?
Shoji Morimoto, 37 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Vật lý ở Đại học Osaka, Nhật Bản và được coi là người khởi xướng cho công việc lạ lùng này
Sau khi kết thúc việc học, Morimoto bắt đầu làm việc tại 1 nhà xuất bản giáo dục. Tuy nhiên, anh không thể hòa nhập với môi trường văn phòng và phải nhảy việc liên tục. Vào năm 2018, Morimoto lập tài khoản Twitter có tên The Man Who Does Nothing (Người đàn ông không làm gì cả) và đăng bài cho thuê chính mình, trong đó công việc sẽ là cùng đồng hành với những người có nhu cầu đến mọi nơi, làm mọi việc mà họ muốn.
Anh Morimoto bắt đầu dịch vụ này từ tháng 6/2018, trong suốt 9 tháng, anh đã được hơn 1.000 người tìm thuê. Khi bắt đầu loại dịch vụ mới mẻ, anh gần như không có bất kỳ thu nhập nào mà chỉ sống bằng tiền tiết kiệm.
"Tôi không muốn nói chuyện với cùng 1 người mỗi ngày, và điều đó khiến tôi gặp khó khăn trong công việc. Sau khi từ chức, tôi thử làm nhiều nghề, từ copywriter cho đến biên tập, nhưng đều không ổn. Mọi thứ mà tôi cố gắng làm đều thất bại. Sau đó, tôi dần cảm thấy mình có đam mê và khao khát không phải làm gì cả hơn bất kỳ ai." - Anh Morimoto chia sẻ.
Sau khi nghỉ việc 1 thời gian dài và sống như 1 kẻ "vô công rồi nghề", thay vì bám theo các quy tắc xã hội, Morimoto đã suy nghĩ đến chuyện sống mà không cần làm gì. Cuối cùng, anh đã đưa ra quyết định sẽ cho thuê chính bản thân mình.
Morimoto nói rằng sự hiện diện của anh mang lại cho mọi người cảm giác thoải mái và cho phép những người khó hòa nhập với xã hội như anh biết rằng, họ vẫn ổn để có thể tồn tại trong thế giới này
Cô gái Khả Khả, 25 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, bắt đầu làm nhiếp ảnh gia tự do từ khi học cấp 3 và khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp Đại học. Cô đã làm việc chăm chỉ suốt 9 năm nhưng dần nhận ra con đường mình chọn không mang lại hạnh phúc cho bản thân.
"Tôi là người luôn cảm thấy cô đơn. Năm ngoái, do dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên tôi phải yêu xa, và chẳng bao lâu sau tôi đã chia tay bạn trai ở Hàn Quốc."
Vào tháng 3/2021, cô tình cờ thấy câu chuyện của Morimoto trên mạng xã hội Weibo. Câu chuyện ấy đã truyền cảm hứng cho Khả Khả, bởi nó phù hợp với 1 người luôn cảm thấy cô đơn như cô.
Khả Khả đã đăng nội dung tương tự Morimoto và "đặt giá" cho bản thân ở mức 1.004 tệ (tương đương 3,6 triệu đồng) và bắt đầu đi theo hướng đó 1 cách nghiêm túc (Ảnh minh họa)
Khoảng thời gian sau, những "đơn hàng" đến với cô nhiều như 1 phép màu. Những gì cô làm giống y hệt anh Morimoto - đó là không làm gì cả.
"Tôi đi cùng 1 cô gái 16 tuổi đến nhà hàng cao cấp để ăn tráng miệng, sự hiện diện của tôi cho phép cô ấy bình tĩnh nếm thử các món tráng miệng ở đó mà không cảm thấy ngại ngùng. Có khách hàng ủy thác cho tôi xem người đó cãi nhau, tôi chỉ đứng bên cạnh họ và không nói gì. Trong cuộc cãi vã, sự hiện diện của bên thứ 3 có thể giữ cho họ bình tĩnh, tránh làm điều quá khích. Tôi còn đi cùng 1 khách hàng lớn tuổi đến công ty xin từ chức, vị khách đó có nhiều bất mãn với sếp nhưng mong rời khỏi công ty 1 cách lịch sự nhất." - Cô gái kể 1 số trải nghiệm "đi làm" thú vị của bản thân.
Ngoài ra, còn có lần 1 bà nội trợ thuê cô đến nếm thử tài nấu nướng của mình; rồi có 1 người đàn ông trung niên thuê cô đi cùng đến nghĩa trang thăm người bạn vừa mất được 3 tháng, bởi ông ta vẫn không đủ can đảm đối diện với sự thật.
"Gần đây, tôi gặp 1 khách hàng yêu cầu đi thu thập bồ công anh với anh ấy. Phần lớn bồ công anh mọc trong đám cỏ dại bên đường, nếu thỉnh thoảng có người mang theo cây kéo, đi lại và ngồi xổm xuống thì trông 'không bình thường' và dễ bị cảnh sát tìm đến hỏi giấy tờ. Thế là trong vòng 1 giờ, tôi đi cùng khách hàng nhặt hoa và cho vào 1 chiếc túi nilon."
Cô chia sẻ thậm chí còn có khách quen thuê mình những 130 lần. Họ gặp nhau 2-3 lần/tháng. Vị khách làm công việc liên quan đến âm nhạc và cô ấy mong có người bên cạnh khi tập guitar
"Cô ấy cũng thường thuê tôi đi ăn ở những nhà hàng cao cấp, khi ăn không thích nói chuyện nên đi cùng bạn bè sẽ mất tự nhiên, còn đi 1 mình thì hơi cô đơn." - Khả Khả nói.
Thậm chí, có những khách hàng rất kỳ lạ, chỉ muốn đưa tiền cho cô và việc của cô chỉ đơn giản là nhận tiền.
"Họ chỉ mong rằng tôi cầm tiền mà không cần phải hàm ơn, điều ấy mang lại cho họ cảm giác vô cùng thoải mái và thư thái." - Cô bày tỏ rằng ban đầu có phần ngạc nhiên với yêu cầu lạ lùng của khách hàng, nhưng về sau cô nhận ra có nhiều hơn 1 người thuê cô để làm việc đó.
Không làm gì thực chất là làm rất nhiều
Trước đây, anh Morimoto thường xuyên cổ vũ bản thân để sống "giống như 1 người bình thường". Nhưng bây giờ, việc gặp gỡ nhiều kiểu người và lắng nghe câu chuyện của họ đã khiến cuộc sống của anh trở nên thú vị hơn.
"Thực ra, tôi đã không tính đến cái gọi là tương lai từ rất lâu rồi. Rời khỏi công ty, đọc sách và lang thang khắp nơi, cách suy nghĩ của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi ngừng nghĩ về tương lai, ngừng lên kế hoạch, ngừng nghĩ về việc tôi có thể tiếp tục đến khi nào. Tôi chỉ muốn tập trung vào hiện tại và trung thành với tâm trạng đó." - Anh Morimoto thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi về vấn đề tương lai.
Anh Morimoto hiện "cho thuê chính mình" toàn thời gian, đôi khi nghe những câu chuyện từ khách hàng còn đổi mới cách nhìn về cuộc sống của anh
"Mỗi năm, tôi sẽ xếp hạng những thứ mà mình cho là quan trọng, ví dụ như xếp hạng của tôi trong những năm trước sẽ là công việc, tình yêu và phát triển bản thân. Nhưng trong kế hoạch của tôi cho năm nay, phát triển bản thân được ưu tiên hàng đầu. Việc cho thuê chính mình là 1 phần cho việc mở lòng khám phá bản thân." - Công việc mới đã mang lại cho Khả Khả kinh tế, đồng thời cũng giúp cô lấy lại niềm vui trong cuộc sống.
Đối với Morimoto và Khả Khả mà nói, thì "con người không làm gì vẫn có giá trị". Anh Morimoto cảm thấy mọi chuyện dễ dàng hơn sau khi nghỉ làm, còn Khả Khả cảm thấy hạnh phúc hơn khi thừa nhận rằng mình theo sai nghề gần 10 năm. Nhưng như thế không đồng nghĩa với cam đảm, chính bởi trốn chạy vì không tìm ra giải pháp vào thời điểm đó, họ mới vô tình tìm ra con đường mới. Có lẽ đây chính là may mắn, bởi mỗi người đều có cơ hội tìm ra con đường dành cho mình, nhưng rất ít người có thể nắm bắt và phát huy được nó.
"Khi cảm thấy khó khăn và mất phương hướng, có lẽ đấy chính là lúc cơ hội đang tìm đến và hy vọng bạn nhìn thấy nó." - Khả Khả kết luận.