Thêm quyền khiếu nại cho người lao động
Dự thảo bổ sung quy định mới (Luật hiện hành không quy định điều này) cho phép người lao động (NLĐ) có quyền khiếu nại các quyết định của người sử dụng lao động (NSDLĐ) về xử lý kỷ luật lao động, tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất.
Trên thực tế, NLĐ vẫn có quyền khiếu nại các quyết định của NSDLĐ, tuy nhiên nay dự thảo đã luật hóa quyền này của NLĐ, đồng thời đây cũng là căn cứ để NSDLĐ xem xét lại quyết định của mình một lần nữa tránh xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện sau này.
HĐLĐ từ 1 tháng phải lập thành văn bản
Bộ luật Lao động hiện hành quy định hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 3 tháng trở nên mới bắt buộc phải lập thành văn bản. Nay dự thảo sửa đổi quy định, bắt buộc hợp đồng từ đủ 1 tháng cũng phải lập thành văn bản.
Sự điều chỉnh này là được cho là phù hợp với Luật BHXH năm 2014, vì Luật BHXH quy định kể từ ngày 1-1-2018, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng phải tham gia BHXH. Vì thế, quy định này được coi là cơ sở để thực hiện thủ tục tham gia BHXH.
Không ký kết HĐLĐ dài hạn với người cao tuổi
Một quy định mới được cho là tiến bộ, có lợi cho NLĐ tại dự thảo là quy định “Hết hạn HĐLĐ mùa vụ hoặc xác định thời hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì sẽ trở thành hợp đồng không xác định thời hạn”.
Theo Luật hiện hành, có hai trường hợp: khi hết hạn hợp đồng mà NLĐ vẫn làm việc thì hợp đồng mùa vụ sẽ trở thành hợp đồng xác định thời hạn (đủ 12 đến 36 tháng); hợp đồng xác định thời hạn sẽ chuyển sang không xác định thời hạn.
Nay dự thảo thống nhất không phân biệt HĐLĐ mùa vụ hay xác định thời hạn nữa, khi hết hạn hợp đồng nếu NLĐ vẫn làm việc thì HĐLĐ sẽ mặc nhiên trở thành loại hợp đồng không xác định thời hạn.
Đặc biệt, dự thảo quy định không cho giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ cao tuổi mà chỉ cho phép ký kết hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng xác định thời hạn (NLĐ cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi được hưởng lương hưu (Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) theo quy định tại Điều 166 và Điều 187 Bộ luật Lao động 2012.)
Hòa giải ngay tại công ty
Đáng chú ý, dự thảo quy định doanh nghiệp có từ 50 NLĐ trở lên phải thành lập Ban hợp tác (dưới 50 người thì khuyến khích thành lập).
Ban hợp tác đóng vai trò là cơ quan trung gian giữa NLĐ và NSDLĐ, nhằm chia sẻ thông tin, tham khảo, trao đổi ý kiến để đưa ra các biện pháp giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên.
Ban hợp tác được tham gia trong quá trình doanh nghiệp thực hiện xây dựng Hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, tiền thưởng, nội quy lao động…