Không kích Syria, Israel đang lặp lại sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam?

QS |

Lịch sử đã ghi nhận sự thất bại của những quân đội chỉ muốn dùng sức mạnh không quân để đạt được các mục tiêu chiến lược xa vời.

Hôm qua (20/1, theo giờ địa phương), Israel tuyên bố đã tiến hành cuộc tấn công nhằm thẳng vào lực lượng Quds của Iran đóng tại Damascus.

Lực lượng Quds là một đơn vị trực thuộc quân đội Iran, được chỉ định yểm trợ cho các tổ chức phi chính phủ thân Iran như Hezbollah và Houthi ở Yemen. Cuộc tấn công của Israel lần này được cho là đã phá hủy một số căn cứ và kho vũ khí do Iran kiểm soát tại Syria.

Israel từ lâu đã xem Iran là đối thủ lớn trong khu vực. Vì thế, việc cho phép quân đội Iran thiết lập sự hiện diện ở biên giới đông bắc sẽ đi ngược lại các lợi ích của Israel.

Để ngăn Iran làm điều đó, Israel đã phát động chiến dịch ném bom đường không có tên Operation Chess. Trong một bài phỏng vấn gần đây trên tờ New York Times, cựu tham mưu trưởng Israel Gadi Eizenkot cho biết chính sách này đã được vạch ra vào năm 2017 khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran "muốn thiết lập ảnh hưởng lớn ở Syria".

Theo ông Eizenkot, Tehran được cho là đang xây dựng một lực lượng lên tới 100.000 chiến binh dòng Shiite, tập hợp từ những chiến trường xa xôi như Afghanistan và Pakistan, đồng thời thiết lập các căn cứ không quân và tình báo bên trong mỗi sân bay quân sự của Syria.

Không kích Syria, Israel đang lặp lại sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam? - Ảnh 1.

Các mục tiêu tại Syria bị Israel tấn công trong đợt không kích mới nhất.

Israel lặp lại sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam?

Nhà báo Shaiel Ben-Ephraim trên tờ Asia Times nhận định, quân đội Israel dường như tin rằng các cuộc không kích đơn thuần có thể giúp họ đạt được mục đích là loại bỏ Iran - mối đe dọa ngày càng gia tăng tại biên giới đông bắc.

Song, điều này có khả năng cao không đạt được. Lịch sử đã ghi nhận sự thất bại của những quân đội chỉ muốn dùng sức mạnh không quân để đạt được các mục tiêu chiến lược xa vời.

Trong những năm 1920, nhà lý luận quân sự người Italia Giulio Douhet tiên đoán rằng sức mạnh không quân sẽ một mình định đoạt các cuộc chiến tranh của tương lai. Tuy nhiên, thực tế đã không đi theo hướng này.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng quyết định không triển khai lực lượng bộ binh thông thường đánh vào miền bắc Việt Nam, mà chỉ gây áp lực thông qua các chiến dịch ném bom liên tục.

Sau đó, quân Mỹ cũng đánh bom dọc biên giới Campuchia để ngăn chặn đường tiến quân của bộ đội từ miền bắc vào miền Nam Việt Nam.

Thế nhưng, cả hai nỗ lực này đều thất bại và chiến lược sai lầm – phụ thuộc quá nhiều vào sức mạnh không quân – cũng là trọng tâm dẫn tới thất bại cuối cùng của Mỹ.

Không kích Syria, Israel đang lặp lại sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam? - Ảnh 2.

Phòng không Syria tuyên bố đã bẻ gãy đợt tấn công mới của Không quân Israel. Trong ảnh: Các mảnh vỡ được cho là của tên lửa Israel sau khi bị phòng không Syria bắn hạ.

Bản thân Israel cũng nhiều lần tự nhận thấy họ không thể đạt được các mục tiêu chiến lược chỉ bằng sức mạnh không quân.

Trong Chiến tranh Li-băng lần hai năm 2006, Tham mưu trưởng Israel khi đó là cựu tư lệnh không quân Dan Halutz. Ông Halutz tin rằng chỉ cần sức mạnh không quân là đủ để triệt phá khả năng bắn rocket của Hezbollah nhằm vào Israel và khiến phe này bị tê liệt.

Song, mặc dù Không quân Israel đã thực hiện tới 11.897 nhiệm vụ chiến đấu trong cuộc chiến kéo dài 34 ngày, kết quả thu được vẫn không khiến Israel thỏa mãn.

Theo các bản điều tra sau chiến tranh của Israel, chiến dịch không kích của họ chỉ phá hủy được 100 trong tổng số 12.000 bệ phóng của Hezbollah. Vào thời điểm Israel nhận ra họ cần triển khai bộ binh thì đã quá muộn để tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết trước khi áp lực từ quốc tế buộc Tel Aviv phải đi đến quyết định ngừng bắn.

Israel cũng từng tiến hành một chiến dịch không quân tương tự nhằm vào Ai Cập trong Chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, thay vì đạt được mục tiêu như mong muốn, các đợt oanh tạc của Israel đã thúc đẩy Liên Xô đứng ra hỗ trợ đồng minh. Moscow đã triển khai các loại tiêm kích và tên lửa phòng không tiên tiến để ngăn chặn chiến dịch ném bom này.

Israel buộc phải chấp nhận ngừng bắn mà không đạt được mục tiêu là phá hoại chính quyền cựu Tổng thống Nasser.

Chiến lược sai lầm của Israel đã khiến họ phải trả giá trong cuộc chiến tranh năm 1973, khi máy bay Israel bị các tên lửa phòng không tinh vi của Liên Xô áp chế ở kênh đào Suez.

Theo ông Ben-Ephraim, hiện không có cơ sở nào để tin rằng Israel sẽ đạt được mục tiêu – ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran – chỉ bằng cách ném bom vào Syria.

Nước này thậm chí không cân nhắc phương án triển khai lực lượng bộ binh vào Syria. Vì thế, giải pháp có tính thực tế duy nhất của Israel chỉ là con đường ngoại giao, mà ở phương diện này, Tel Aviv có rất ít sự lựa chọn.

Vuột mất Nga

Israel không có mối quan hệ hữu hảo với Tehran và Damascus. Trong khi đó, Mỹ có rất ít ảnh hưởng đối với các diễn biến tại Syria, và tuyên bố gần đây của chính quyền Tổng thống Trump về việc rút quân đã khiến Washington ngày càng không liên quan tới tình hình tại đây.

Chính quyền ông Netanyahu từ lâu đã nhận ra chìa khóa để làm suy yếu sức ảnh hưởng của Iran tại Syria chính là mối quan hệ hợp tác với Nga.

Ngoài Iran, Nga là quốc gia có sức ảnh hưởng đáng kể đối với những gì đang diễn ra ở Syria. May mắn cho Israel là Moscow cũng khá "đồng cảm" với các mục tiêu của họ.

Kremlin lo ngại rằng các kế hoạch của Iran nhằm thiết lập sự hiện diện ở biên giới với Israel sẽ làm suy yếu mối quan hệ bền chặt giữa họ với Damascus, tăng sự phụ thuộc của Syria vào Iran và làm xấu đi mối quan hệ chiến lược giữa Moscow với Israel.

Do đó, Kremlin có vẻ vẫn sẵn lòng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao để hạn chế sức ảnh hưởng của Iran tại Syria.

Tuy nhiên, các cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria đang có xu hướng làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga-Israel. Tháng 11 năm ngoái, máy bay trinh sát IL-20 của Nga đã bị phòng không Syria bắn nhầm trong quá trình đáp trả cuộc không kích của Tel Aviv.

Sau sự vụ này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Israel phải ngừng các cuộc không kích bởi trong một số trường hợp, chúng đe dọa sự an toàn của lực lượng Nga triển khai tại Syria.

Bên cạnh đó, cũng sau vụ IL-20, Nga đã ngừng sự hỗ trợ ngầm của mình đối với Israel, khiến nước này càng cách xa mục tiêu hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran.

Theo nhà báo Ben-Ephraim, các cuộc không kích của Israel khó có khả năng khiến Iran giảm bớt tầm ảnh hưởng ở Syria. Tệ hơn cả, chúng đang làm suy yếu mối quan hệ chiến lược giữa Israel vưới Nga. Vì lợi ích của chính mình và sự ổn định trong khu vực, ông Ben-Ephraim cho rằng Israel tốt hơn cả là nên ngừng không kích vào Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại