Đòn trút giận của Mỹ
Cuộc không kích gần đây của Mỹ ở tỉnh Idlib của Syria là bằng chứng cho thấy sự thất vọng của Washington với mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong đó là thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 và những cân nhắc về việc mua thêm chiến đấu cơ Su-35 và Su-57 - Tarek Ahmad, đại diện của đảng Chủ nghĩa Xã hội Syria, nói với Sputnik.
Cuối tuần trước, các lực lượng của Mỹ tuyên bố không kích vào cứ điểm của một nhóm khủng bố liên kết al-Qaeda ở miền Bắc Idlib. Cuộc tấn công diễn ra ngay khi một lệnh ngừng bắn mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực tại thành trì cuối cùng của phe đối lập.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ đã tấn công mà không thông báo cho các bên bảo lãnh lệnh ngừng bắn, thêm vào đó là gây ra số lượng thương vong và thiệt hại chưa xác định.
"Tôi nghĩ cuộc tấn công của Mỹ có nhiều mục tiêu và lý do. Động thái vi phạm lệnh ngừng bắn của Mỹ là một nỗ lực phá vỡ bầu không khí tích cực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Iran. Mỹ khó chịu có thể với bầu không khí này, khi nó đang cải thiện tốt trong thời gian qua", ông Ahmad nói.
Ông cho rằng bằng cách vi phạm lệnh ngừng bắn, Washington đã cố gắng làm suy yếu mối quan hệ đối tác giữa Moscow và Ankara.
"Họ không vui vì mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện với thương vụ S-400 và có thể là mua thêm máy bay chiến đấu Su-57 hoặc Su-35 trong tương lai", Ahmad nêu quan điểm.
Chính trị gia Syria cũng suy đoán rằng cuộc tấn công được triển khai vì "người Mỹ có điều gì đó muốn giấu ở Idlib".
"Có thể một số nhóm ở đó có liên quan đến CIA và Mỹ, vì vậy họ không muốn giải phóng hoàn toàn Idlib, bởi như vậy sẽ bị lộ một số bí mật", Ahmad lưu ý.
Trong phản ứng của mình, Nga đã chỉ trích gay gắt cuộc không kích Idlib của Washington, nói động thái này là "không phù hợp" và "mâu thuẫn".
Con lắc của Thổ Nhĩ Kỳ
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ sẽ có cuộc gặp vào cuối tháng 9.
Cuối tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ bay tới New York dự phiên khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại đây, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong nỗ lực tạo điều kiện tái cân bằng cho "con lắc" Idlib-Đông Euphrates.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình thế khó khăn với hai cường quốc Nga-Mỹở miền Bắc Syria. Ankara muốn có một thỏa thuận kiềm chế quân Chính phủ đánh chiếm lại Idlib bằng bạo lực, trong khi muốn có một thỏa thuận về khu an toàn nhằm giảm thiểu mối lo người Kurd với Mỹ, theo Daily Sabah.
Mục tiêu của Ankara là ngăn chặn con lắc lắc lư không kiểm soát, không rơi vào sự leo thang quân sự với Nga hay Mỹ.
Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ muốn duy trì lệnh ngừng bắn ở Idlib để ngăn chặn đổ máu và ngăn đợt sóng tị nạn cuốn về biên giới. Đồng thời, ở khu vực phía Đông Euphrates, Ankara muốn ngăn chặn nguy cơ người Kurd hình thành sự tự trị tại đây.
Nhìn thấy những thách thức phía trước ở miền Bắc Syria, một số nhà quan sát đi đến kết luận rằng, lựa chọn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này là làm hòa với chính quyền Tổng thống Bashar Assad.
Nói cách khác, các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nên "đầu hàng" một cách trực tiếp ở Idlib và từ bỏ một cách gián tiếp ở phía Đông Euphrates, để lại các mối lo ngại cho Damascus giải quyết.
Cán cân quyền lực cùng với chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến Syria đã đến lúc cần phải thay đổi. Điều này xuất phát từ việc Ankara phải giữ vững sự cân bằng lành mạnh trong quan hệ với Nga và Mỹ.
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nên rút khỏi miền Bắc Syria, vì điều này sẽ không ngăn được hàng triệu người tị nạn khác đổ về Thổ Nhĩ Kỳ hay vô hiệu hóa được người Kurd.
Vì cả hai lý do, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải giữ một sự hiện diện ít nhất là tối thiểu trên mặt đất. Hơn nữa, việc để Syria làm suy yếu ảnh hưởng của Ankara ở Đông Địa Trung Hải sẽ khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các thách thức khác trong khu vực.
Do đó, tờ Daily Sabah kết luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không nên rời khỏi Syria để mất đi thế chủ động, trong khi đó nên bắt đầu một cuộc thảo luận với Damascus để giải quyết mối lo ngại của mình.