Xe tăng PT-76 của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147 khai hỏa diệt mục tiêu trong Hội thao Kíp xe tăng giỏi năm 2021
Những chiếc xe tăng oai hùng không chỉ có hỏa lực pháo hay lớp giáp dày. Bên trong chiếc xe tăng còn có các thành viên kíp xe. Vậy bên trong vỏ thép, lính xe tăng Việt Nam sinh hoạt, chiến đấu thế nào? Họ có được trang bị vũ khí cá nhân không? Quân tư trang sẽ cất giữ ở đâu?
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Nguyên Trưởng ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Trường Sỹ quan Tăng - thiết giáp sẽ "giải ngố" cho chúng ta về vấn đề này.
Chật vanh vanh, đụng đâu cũng là sắt thép
Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, thường dẫn đầu các mũi đột kích đột phá tuyến phòng ngự của đối phương hoặc phản đột kích khi đối phương chọc thủng tuyến phòng ngự.
Vì vậy, những chiếc xe tăng luôn thường trực phải đối đầu với những vũ khí chống tăng của đối phương.
Bởi vậy, để giảm bớt xác suất bị trúng đạn, các nhà thiết kế xe tăng (nhất là ở các nước XHCN như Liên Xô cũ) thường mong muốn thu nhỏ diện tích mục tiêu - nghĩa là giảm càng nhiều càng tốt các kích thước của xe tăng.
Điều đó đồng nghĩa với việc thu hẹp đến mức tối thiểu không gian đằng sau vỏ thép, tất nhiên là trừ trường hợp các loại xe tăng bơi nước thì lại cần không gian rỗng để tăng sức nổi.
Thế cho nên, ai đã từng được tham quan bên trong xe tăng sẽ thấy: ở các khoang máy (buồng động lực, truyền động) thì các chi tiết, các cụm máy được bố trí xít với nhau, gần như không còn khoảng cách. Còn trong buồng chiến đấu, buồng thao tác của các thành viên kíp xe cũng hết sức chật hẹp, bí bách.
Đối với loại xe không có hệ thống nạp đạn tự động thì trong các thành viên, chỉ có không gian của pháo thủ số hai (nạp đạn) là tương đối rộng rãi hơn vì xung quanh anh ta là các khoang chứa đạn.
Pháo hai cũng cần phải có không gian xoay trở để lấy đạn ra khỏi giá rồi bê nó lên lắp vào buồng đạn. Còn các thành viên khác thì chỗ ngồi hẹp vanh vanh, xoay người cũng khó.
Với loại xe có hệ thống nạp đạn tự động cũng chẳng khá hơn, bởi bản thân hệ thống này cũng rất cồng kềnh, choán chỗ lớn nên vị trí ngồi của các thành viên vẫn rất tù túng, gò bó.
Ngay cả thế hệ xe tăng mới nhất như T-14 Armata, mặc dù tháp pháo không người nhưng ba thành viên kíp xe bị "nhồi" trong một block được bọc thép đặc biệt ở phía mũi xe, nên cũng hết sức chật hẹp, tù túng.
Tóm tắt lại, trong xe đụng đâu cũng là sắt thép, chỗ ngồi thì chật hẹp, xoay trở khó khăn là đặc điểm chung về không gian hoạt động của các thành viên kíp xe tăng, thiết giáp.
Vị trí trưởng xe và pháo thủ trên xe tăng T-54. Ảnh: QPVN
Vũ khí cá nhân của thành viên kíp xe để đâu?
Trên xe tăng, ngoài những loại vũ khí chính có trong biên chế thì các thành viên còn được trang bị vũ khí cá nhân nhằm mục tích chiến đấu tự bảo vệ khi tình thế buộc phải rời xe.
Các vũ khí chính yếu nhất mà xe tăng nào cũng có thường là một khẩu pháo và một khẩu súng máy đều được ngắm bắn và điều khiển từ pháo thủ. Nhân dịp này cũng xin làm rõ về tên gọi khẩu súng máy này một chút. Đó là nhiều người, thậm chí cả báo chí nữa cũng hay gọi khẩu súng này là "súng máy đồng trục" là không đúng.
Nói không đúng, vì "đồng trục" nghĩa là cùng một trục. Bởi vậy, nếu muốn tạo được súng máy đồng trục với pháo thì chỉ có duy nhất một cách là đút khẩu súng đó vào chính giữa nòng pháo mà thôi.
Còn trong thực tế, khẩu súng máy này lại được lắp trên một cái giá cố định chặt vào giá pháo để đảm bảo pháo quay đi đâu nó cũng sẽ quay đi đấy. Khoảng cách từ trục nòng súng tới trục nòng pháo khoảng 40-50 cm và chúng gần như song song với nhau.
Do đó, người ta gọi nó là "súng máy song song bên pháo" hay ngắn gọn hơn: "súng máy song song". Đó là tên gọi chính thức của khẩu súng này!
Ngoài hai loại vũ khí chính yếu trên, tùy loại xe có thể được trang bị thêm súng cao xạ, súng máy phía trước của lái xe ...
Kíp xe tăng PT-76 số 555 huyền thoại bảo vệ xe bằng tiểu liên AK trong trận Tà Mây - Làng Vây
Đặc biệt, các xe tăng thường có trang bị thêm một khẩu tiểu liên và một số lựu đạn nữa. Khẩu tiểu liên và lựu đạn này sẽ được sử dụng trong trường hợp kẻ địch đến quá gần, trong "khoảng chết" của pháo và súng máy.
Nhưng thế vẫn chưa đủ! Đó là những vũ khí biên chế theo xe, gắn chặt với xe. Vậy nếu trong chiến đấu sẽ xuất hiện những tình huống các thành viên kíp xe phải rời xe ra ngoài.
Lúc đó họ sẽ chiến đấu tự bảo vệ bản thân bằng vũ khí gì. Vấn đề đó đặt ra yêu cầu phải trang bị vũ khí cá nhân cho các thành viên xe tăng.
Nhưng lại có một chữ nhưng nữa: Không gian trong xe tăng vô cùng chật chội như đã nói trên thì trang bị cho các thành viên kíp xe loại vũ khí nào cho phù hợp?
Xuất phát từ thực tế đó, hầu hết các nước đều chọn súng ngắn hay các loại tiểu liên nhỏ gọn làm vũ khí cá nhân cho thành viên kíp xe tăng.
Ở Việt Nam, không có quy định "cứng" về vấn đề này. Vào thời kỳ mới thành lập binh chủng, vũ khí cá nhân của thành viên kíp xe nếu được trang bị cũng là súng ngắn.
Tuy nhiên, từ khi binh chủng phát triển lực lượng rầm rộ thì tùy theo tình hình thực tế của các đơn vị mà trang bị.
Khi xe tăng vào chiến trường miền Nam thì phổ biến nhất là trang bị AK, thường là AK báng gấp - thậm chí là mỗi người 1 khẩu cho "chắc ăn". Còn để ở đâu thì tùy từng người, miễn sao không ảnh hưởng tới thao tác.
Tình huống cứu chữa thương binh, chiến đấu bảo vệ xe tăng bằng tiểu liên AK tại Hội thao kíp xe tăng giỏi năm 2021
Quân tư trang và trăm thứ bà rằn xử lý thế nào?
Trên xe tăng không chỉ có trang bị, đạn dược, mà còn có quân tư trang cá nhân của thành viên kíp xe, cùng "trăm thứ bà rằn" khác phục vụ sinh hoạt, ăn ở, chiến đấu ... Đặc biệt, những chiếc xe tăng Việt Nam phải hành quân đường dài vào miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, thì khối lượng vật tư phải mang theo rất lớn.
Do không gian trong xe tăng chật chội như vậy, việc sắp xếp quân tư trang của các thành viên cũng như các loại quân dụng phục vụ cho sinh hoạt của kíp xe cũng gặp nhiều khó khăn và phải rất linh hoạt.
Thông thường, khi hành quân thì ba lô tư trang có thể để trong xe. Nơi thông dụng nhất là dưới máng pháo và vành tháp pháo. Còn các loại quân dụng khác như dụng cụ cấp dưỡng, cuốc xẻng các loại cùng với lương thực, thực phẩm, khí tài dự bị thì để phía bên ngoài xe, thường là phía sau tháp pháo hoặc treo trên các tay vịn bộ binh.
Còn khi chuẩn bị bước vào chiến đấu thì tất cả những thứ trên sẽ được để lại tại hậu cứ hoặc vị trí tập kết chiến dịch để không có gì làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của tháp pháo cũng như thao tác của các thành viên kíp xe.
Trên xe tăng rất chật chỗi, chỉ có không gian của pháo hai là tương đối rộng rãi hơn vì xung quanh là các khoang chứa đạn. Ảnh: QPVN
Tuy nhiên, quy định này có những khi không thực hiện được. Đó là trường hợp "tiến công trong hành tiến" như trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 - khi xe tăng phải vừa cơ động, vừa chiến đấu trên những chặng đường dài.
Lúc đó, để không ảnh hưởng đến chiến đấu, những thứ không thiết yếu thường bị bỏ đi hoặc gửi bộ phận bảo đảm, còn ba lô của thành viên và những thứ quân dụng thiết yếu nhất thường cố định bên ngoài, phía sau tháp pháo.
Thực tế này đã dẫn đến những hệ lụy nhất định. Ấy là khi vào thành phố mà có xe vẫn toòng teng cái bao xoong nồi chậu đĩa trên tháp pháo. Lại có xe, do bom đạn nổ gần, các ba lô quân tư trang bay mất.
Thế là khi cần bảnh bao một chút trước mắt bà con dân chúng hay các nhà báo thì bói không ra quần áo để thay cho bộ quần áo công tác lấm lem dầu mỡ, thậm chí còn bị rách rưới.
Đó cũng là những kỉ niệm vui của những người lính xe tăng có vinh dự tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khám phá bên trong xe tăng T-54/55