Bảo vệ sự an toàn của con cái trở thành bản chất thứ hai của bậc làm cha làm mẹ dành cho con mình. Nhưng liệu bố mẹ có thể bên con 24/7 để bảo vệ con không, điều này gần như không thể và không thực tế.
Đó là lý do tại sao mẹ cần phải dạy trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn ở xã hội bên ngoài và cách ứng phó. Dưới đây là những kĩ năng hữu ích giúp trẻ nhận thức được những nguy cơ mà chúng có thể gặp phải bất cứ khi nào, từ đó có thể tự xoay sở và ứng phó khi không có bố mẹ ở bên.
Mẹ cần phải dạy trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn ở xã hội bên ngoài và cách ứng phó để tự bảo vệ bản thân (Ảnh minh họa)
1. Chơi trò chơi "Con sẽ làm gì nếu…?"
Đây là cơ hội để bạn thể hiện lo lắng về những gì có thể xảy ra với các bé. Hãy cùng bé chơi 1 trò chơi và luôn đặt câu hỏi theo 1 cấu trúc như:
- "Con sẽ làm gì nếu một người lạ mời con ăn kẹo/bánh?"
- "Con sẽ nói gì nếu ai đó nhờ con giúp đỡ?"
- "Con sẽ làm gì nếu ai đó bảo con đi theo họ?"
Ngoài việc thảo luận cùng trẻ cách ứng xử hợp lý, bố mẹ hãy thành thực cảnh báo cho trẻ những nguy cơ có thể xảy ra – kẻ xấu có thể mang con đi hoặc làm hại con. Dạy cho trẻ về những nguy hiểm ở ngoài, không đợi "mất bò mới lo làm chuồng" .
2. Dạy trẻ 1 số kĩ năng tự bảo vệ cơ bản
Những điều cơ bản như dạy trẻ con đường nhanh nhất và an toàn nhất để về nhà, cách báo cho người thân biết nếu trẻ bị đưa ra khỏi khu vực quen thuộc hoặc có thể đang gặp nguy hiểm là rất cần thiết để bảo vệ trẻ.
Cụ thể, mẹ hãy dạy trẻ không được đi theo người lạ, nói hoặc hét thật to để thu hút sự chú ý của người qua đường, đánh động không cho kẻ lạ thực hiện ý đồ xấu. Nếu cảm thấy ai đó đang đe dọa, hãy dạy trẻ chạy vào nhà dân gần đó, gõ cửa và nói với chủ nhà là trẻ không quen hay thấy không an toàn khi đi với người lạ đó, dạy trẻ nói với họ gọi ngay cho bố hoặc mẹ.
3. Dạy trẻ về những mối nguy hiểm khi gặp người lạ
Cho dù con bạn 2 hay 12 tuổi thì con đều có thể gặp nguy hiểm từ những người lạ mặt. Hãy giải thích cho con của bạn - đặc biệt nếu bạn thường xuyên đến nơi đông người: "Nếu bố/mẹ không thể nhìn thấy con, điều đó có nghĩa là con cũng không thể nhìn thấy bố/mẹ và điều đó là không thể chấp nhận".
Nhắc nhở con một cách khéo léo rằng tại sao nói chuyện với người lạ lại có thể nguy hiểm. Bắt đầu bằng cách xác định khái niệm "người lạ" là bao gồm những ai, theo độ tuổi và hình dáng của họ - ví dụ khi trẻ 3 tuổi, những ai không phải là bố/mẹ hoặc người trong gia đình đều là người lạ, nhưng khi trẻ 10 tuổi thì trẻ cần nói rõ hơn để phân biệt người quen và người lạ. Dạy trẻ rằng cảnh sát thường là những người tốt và trụ sở công an là nơi an toàn.
Ảnh minh họa
4. Không cam chịu kẻ bạo lực, đe dọa người khác
Ngoài những kẻ bắt nạt trong trường học còn có những kẻ bắt nạt trên mạng. Mẹ cần dạy trẻ ngăn chặn những kẻ bắt nạt bằng cách đến gặp giáo viên để đề nghị sự giúp đỡ. Hãy nói với trẻ không đáp ứng bất kì trò dọa nạt nào, vì đó chính là thứ mà chúng muốn. Nếu trẻ là đối tượng bị dọa nạt qua mạng, hãy dạy trẻ không trả lời bất cứ tin nhắn hoặc thư từ nào.
Điều quan trọng là dạy trẻ không trả thù vì khi làm như vậy chính trẻ cũng trở thành người bạo lực, đi bắt nạt lại người khác, gây ra 1 vòng lẩn quẩn không có hồi kết. Thay vào đó hãy yêu cầu con thu thập bằng chứng về việc bị bắt nạt và báo cáo ban giám hiệu nhà trường hoặc bố/mẹ hoặc người lớn tin cậy, cho họ thấy bằng chứng đó. Người lớn sau đó sẽ có những biện pháp cần thiết để xử lý.
5. Dạy con nói "Không"
Thông thường, nếu con nói "không" khi bạn nhắc con đi tắm, đi ngủ, đến giờ ăn…thì con sẽ bị phạt, cho nên con bạn cũng sẽ theo đó thấy việc nói "không" với người khác cũng sẽ bị phạt như ở nhà với bố mẹ. Đối với tình huống này, bạn cần giải thích cho con hiểu cần phải nói "không" trong những trường hợp nào.
Đó là khi ai đó khiến trẻ mệt mỏi, bẩn thỉu, không muốn chơi cùng trẻ, dạy trẻ có quyền nói "Không" - từ chối yêu cầu của người lạ. Dạy trẻ nói "không" với kẹo/bánh hay những người hứa sẽ cho quà nếu đi theo người đó, ngoại trừ 1 số người lớn tin cậy - đã nói cho trẻ biết trước.
(Ảnh minh họa)
6. Những điều trẻ không được làm
Bất kể con bạn đang ở đâu và ở độ tuổi nào, đây là một số điều dạy trẻ không được phép làm:
- Tiết lộ rằng trẻ đang ở nhà một mình khi ai đó đi qua hoặc gọi điện
- Đi gần ai đó (không phải là người lớn đáng tin cậy) khi họ tiếp cận trẻ từ trong ô tô
- Cho ai đó địa chỉ nhà trong khi trẻ đang ở nhà một mình
- Đi theo người lạ khi bị lạc đường - trừ khi người đó là Công an, Cảnh sát
- Không bao giờ cho phép người lạ nói điều gì đó đe dọa đến trẻ - yêu cầu họ hãy tránh xa trẻ ngay lập tức
7. Bố mẹ cần làm gì?
Có thể bạn nghĩ những điều nhỏ sau đây là để trẻ được an toàn nhưng thực tế lại không hẳn vậy. Ví dụ không bao giờ viết tên và địa chỉ nhà của con trên túi hoặc chai nước. Làm như vậy bất cứ ai cũng có thể đọc tên của con bạn và gọi ra, giả vờ đã biết trẻ, làm cho trẻ cảm thấy an toàn, tin tưởng để dụ dỗ.
Hãy dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại di động của bố/mẹ, số nhà… trong trường hợp khẩn cấp - biến nó thành trò chơi hoặc bài hát nhưng nhấn mạnh rằng trẻ không được hát trên xe buýt, tàu hỏa hay các phương tiện công cộng khác. Khi dạy trẻ, hãy thể hiện giọng nói, thái độ lo lắng, sợ hãi của bạn để trẻ lưu tâm ghi nhớ hình ảnh đó thay vì chỉ nhắc nhở chung chung.
Cha mẹ cần chủ động trang bị cho con những kĩ năng tự vệ cần thiết (Ảnh minh họa)
8. Thực hiện nguyên tắc 5P
Đó là bảo vệ (Protect), chuẩn bị (Prepare), thực hành (Practise), khen ngợi (Praise) và kiểm tra (Preview). Bạn có thể áp dụng những nguyên tắc này cho hầu hết mọi thứ liên quan đến con của bạn - từ băng qua đường đến kĩ năng tự bảo vệ bản thân. Hãy chú ý theo dõi tiến độ của trẻ, đảm bảo rằng bạn không di chuyển quá nhanh đối với trẻ. Chỉ khi bạn cảm thấy trẻ tự tin và sẵn sàng tiếp tục bài học tiếp theo thì mới giới thiệu các khái niệm mới.
Nguồn: Parent