Số liệu từ WHO cho biết, trong vòng 28 ngày gần đây, số ca mắc Covid mới trên toàn cầu tăng 4% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó; với hơn 1,1 triệu ca mắc mới. Riêng khu vực Đông Nam Á, có hơn 26.000 ca nhiễm mới, tăng 379% so với khoảng thời gian 28 ngày trước đó.
Trong tình thế đó, biến thể phụ JN.1 xuất hiện tại TPHCM thêm một cảnh báo nguy cơ Covid-19 “quay đầu trở lại”. Tuy rằng, cho đến nay, với các giải mã trình tự gene thì độc lực của biến thể này không cao. Số bệnh nhân mới phát hiện tại TPHCM chủ yếu là người lớn tuổi, có bệnh nền, trong đó có người chưa tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, giao lưu, đi lại, tập trung đông người tăng cao cũng sẽ tạo ra môi trường lây lan dịch bệnh (nếu có). Từ đó sẽ gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện do Covid-19. Để phòng chống, ngành Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp sau để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các khuyến cáo đề phòng biến thể phụ của Omicron J.N.1 cũng tương tự như đối với Covid-19, đó là: Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người; hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid-19, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh nền. Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở.
Người cao tuổi, có bệnh lý nền, thai phụ... khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Kể từ cuối năm 2019 khi dịch Covid-19 được thế giới lần đầu tiên ghi nhận và chính thức bùng phát, WHO công bố là đại dịch khẩn cấp toàn cầu từ đầu năm 2020 (ngày 11/3/2020), Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch nặng nề. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19, cùng nhiều văn bản chỉ đạo trong từng giai đoạn khác nhau. Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 31/7/2020, Việt Nam có ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Tính đến ngày 28/4/2022, Việt Nam đã ghi nhận 43.041 ca tử vong do mắc Covid-19.
Những năm tháng gian nan chiến đấu với Covid-19 là những năm tháng không thể nào quên. Dịch bệnh lan ra cộng đồng, tàn phá sức khỏe con người, khiến nhiều người tử vong. Sản xuất, kinh doanh và nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội đình trệ. Đến nay, đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng sự ám ảnh và tác hại của nó vẫn còn đó, khi mà kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi.
Vượt lên tất cả, chúng ta đã đi qua đại dịch, tổ chức lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng là bài học cảnh tỉnh về y tế dự phòng, y tế điều trị. Rằng, không một phút được lơ là, chủ quan với dịch bệnh bởi sự tàn phá của nó là hết sức ghê gớm.
Việc cảnh báo của ngành Y tế trước sự xâm nhập của biến thể JN.1 là cần thiết. Nhưng điều đó không chỉ là công việc của ngành Y tế, của các cấp chính quyền mà đầu tiên vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người dân. Nếu mỗi người thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành Y tế thì chắc chắn chúng ta sẽ chặn đứng được nguy cơ dịch bệnh “qua đầu trở lại”.
Chúng ta đã có những bài học và nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Những điều đó cần phải được tiếp tục trong giai đoạn mới, khi dấu hiệu dịch đã xuất hiện. Đặc biệt là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài sắp tới, ý thức phòng dịch của từng người càng cần phải được nâng cao.