Không dễ buông Syria, ông Biden "sửa soạn vũ khí" tái đấu Nga?

Trương Mạnh Kiên |

Chính sách của ông Biden sẽ không để cho Nga gia tăng thêm ảnh hưởng hơn nữa ở Syria cũng như Trung Đông.

Chính sách Syria

Chiến thắng được giới truyền thông gọi tên của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 dự kiến sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận đối với Trung Đông. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá ông Biden không có khả năng mang lại bất kỳ thay đổi căn bản nào trong chính sách của Mỹ trong khu vực.

Trong khi Trung Đông vẫn quan trọng đối với lợi ích của Mỹ về năng lượng và an ninh, khu vực này không còn được coi là ưu tiên hàng đầu như trước đây. Kể từ năm 2011, khi chính quyền Barack Obama “xoay trục” chính sách đối ngoại sang châu Á - Thái Bình Dương , Trung Quốc đã trở thành mục tiêu số một trong chương trình nghị sự quốc tế của Mỹ. Điều này sẽ không thay đổi.

Khi khả năng tự cung tự cấp năng lượng của Mỹ tăng lên, tài nguyên dầu ở Trung Đông đã giảm tầm quan trọng đối với Mỹ. Nhưng bất chấp sự tụt hạng, Trung Đông vẫn có một tầm quan trọng nào đó không thể dứt bỏ đối với lợi ích của Mỹ và ông Biden sẽ là người tiếp tục giải quyết một loạt các vấn đề thách thức trong khu vực.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 về việc khủng bố đã bị đánh bại và rút phần lớn quân đội Mỹ khỏi Syria cho thấy, ông duy trì cam kết loại bỏ, hoặc ít nhất là giảm đáng kể việc lực lượng Mỹ rơi vào các vướng mắc ở Trung Đông.

Những người chỉ trích ông Trump coi đây là sự phản bội đối với các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là người Kurd ở Syria và Iraq, đồng thời cũng mở ra con đường gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.

Giới phân tích nhận định, ông Biden khó có khả năng thay đổi hướng đi của Washington ở Syria và Iraq, nơi Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở mức nhỏ.

Theo đó, nhân vật đảng Dân chủ sẽ không theo đuổi một cách tiếp cận tích cực hơn ở Syria, cũng như không cản trở bước tiến của Nga.

Vấn đề Syria vắng mặt đáng kể trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, bất chấp sự hiện diện của quân đội Mỹ vẫn còn ở đó. Nhóm của ông Biden ít nói về vấn đề này ngoài việc ám chỉ sẽ không rút lực lượng khỏi Syria.

Về bản chất, ông Biden dường như sẽ duy trì một cách tiếp cận tương tự như ông Trump: giữ sự hiện diện quân sự nhỏ ở đông bắc Syria; ủng hộ tiến trình chính trị của Liên Hợp Quốc; và duy trì các lệnh trừng phạt đối với Syria.

Trong khi ông Trump coi nhiệm vụ chống khủng bố IS phần lớn đã hoàn thành, ông Biden có thể cung cấp hỗ trợ quân sự mới của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của nhóm. Điều này sẽ củng cố sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Syria và Iraq nhưng phía Mỹ vẫn muốn đây cũng là một khu vực mà người châu Âu nên gánh vác trách nhiệm lớn hơn.

Giảng hòa với Thổ Nhĩ Kỳ

Không dễ buông Syria, ông Biden sửa soạn vũ khí tái đấu Nga? - Ảnh 1.

Tổng thống Assad.

Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), nêu quan điểm rằng ông Biden dường như sẵn sàng duy trì một sự hiện diện quân sự nhỏ ở đông bắc Syria với sự hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng người Kurd.

“Không rõ chính sách Syria của chính quyền Biden sẽ như thế nào vì họ không lên tiếng nhiều về vấn đề này”, chuyên gia này cho biết.

Tuy nhiên, theo cây bút Obaida Hitto của tờ TRT World, sẽ không có chuyện ông Biden không chuẩn bị trước chính sách đối ngoại sắp tới của mình. Theo Hitto, Mỹ nhận thức rõ rằng đảng Công nhân người Kurd (PKK) – đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ - là một tổ chức khủng bố.

Nhưng giờ đây, khi ông Trump đang trên đường rời đi, "ông Erdogan có lý do để lo lắng", nhà phân tích Gönül Tol của viện Trung Đông nhận định. Sam Heller, một nhà phân tích độc lập về Syria, nói: “Tôi không nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ yêu thích Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cũng như những nơi khác”.

“Chiến thắng của ông Biden có thể là một bước ngoặt đối với Trung Đông. Ông có thể không tiếp tục sự ủng hộ vô điều kiện và không giới hạn mà chính quyền Trump dành cho Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, đồng thời lên tiếng phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực”, Hüseyin Alptekin, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội (SETA) đánh giá.

“Biden có thể muốn thành lập một khối liên minh khu vực đối đầu với Nga. Do đó, ông ấy sẽ cần Thổ Nhĩ Kỳ”.

“Cuộc khủng hoảng Syria, Libya và Nagorno-Karabakh đã cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực có thể cân bằng sự bành trướng của Nga. Nếu Biden hành động phù hợp, ông có thể có cơ hội làm việc với một nhân tố mạnh trong khu vực thay vì các tổ chức khủng bố”, Alptekin nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại