Không còn lợi thế đối trọng với Nga, Ukraine khó có cơ hội biến nguy thành cơ

Hồng Anh |

Trong bối cảnh nước phương Tây trì hoãn gửi thêm viện trợ quân sự và không còn duy trì được một trong những lợi thế đối trọng với pháo binh Nga, quân đội Ukraine buộc phải cắt giảm các hoạt động quân sự để chuyển sang thế phòng thủ.

Ukraine vật lộn với cơn khát đạn dược

Reuters dẫn lời Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy miền đông của quân đội Ukraine cho biết, quân đội Ukraine không có đủ đạn dược, đặc biệt là đạn pháo hiện đại để tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ hai.

“Tình trạng thiếu hụt đạn dược đang được cảm nhận trên toàn bộ chiến tuyến”,  ông Oleksandr Tarnavskyi nêu rõ.

Không còn lợi thế đối trọng với Nga, Ukraine khó có cơ hội biến nguy thành cơ- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa nhằm vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Theo quan chức này, một số đơn vị Ukraine đang ở thế phòng thủ trong khi các đơn vị khác đang cố gắng tiến về phía trước.

Khi một mùa đông nữa đang đến và cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp đánh dấu mốc hai năm với triển vọng về nguồn cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế trong tương lai của phương Tây bị che mờ do những mâu thuẫn chính trị, Ukraine đang đối mặt với tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Tại Mỹ, phe Cộng hòa trong Quốc hội đến nay vẫn cố gắng ngăn chặn nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đảm bảo khoản viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine.

Đối với Ukraine, dù đạt được một số bước tiến nhỏ trên chiến trường, nhưng cuộc phản công mà nước này phát động cách đây 6 tháng đã không đạt mục tiêu phá vỡ “cây cầu đất liền” chạy qua miền Nam Ukraine kéo dài từ Donbass đến bán đảo Crimea. Thay vì đẩy lùi Nga trở lại biên giới, binh sỹ Ukraine phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến, chịu tổn thất lớn về nhân lực và vật lực.

Đánh giá về cuộc phản công, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhniy cho biết “sẽ không có bước đột phá nhanh chóng”, “cuộc chiến đã đi vào bế tắc”. Phát ngôn của ông Zaluzhniy đã làm dấy lên nhiều tranh cãi tại Ukraine, đồng thời làm gia tăng mối lo ngại của phương Tây trong nỗ lực tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Tổng thống Zelensky không đồng tình với quan điểm này và nói rằng cuộc chiến không có bế tắc, nhưng ông thừa nhận xung đột đã bước vào “giai đoạn mới”.

Khi mùa đông đến, các binh sỹ Ukraine bắt đầu chuyển sang thế phòng thủ. Maksym – một binh sỹ 28 tuổi đồn trú tại Avdiivka cho biết: “Nếu Avdiivka thất thủ, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”. Nếu Ukraine để mất thị trấn này, thì điều đó sẽ giúp Tổng thống Putin có được chiến thắng biểu tượng trước cuộc bầu cử vào tháng 3/2024 và tước đi một mắt xích phòng thủ quan trọng của Ukraine. Ngoài ra, kịch bản này cũng sẽ giúp những người phản đối viện trợ cho Ukraine tại Mỹ và châu Âu có cơ hội củng cố quan điểm của họ. Đó là lý do cuộc thảo luận về một chiến lược cho giai đoạn xung đột mới đang ngày càng được chú trọng tại Ukraine.

Hôm 28/11 vừa qua, Tổng thống Zelensky công bố kế hoạch nhanh chóng xây dựng mạng lưới công sự rộng khắp trên các tuyến phòng thủ chính ở Donbas cũng như các khu vực giáp biên giới Nga và Belarus.

Anton – một binh sỹ Ukraine cho biết, các đơn vị pháo binh nước này đang gồng mình đối phó với hỏa lực của Nga trong bối cảnh “cơn khát đạn pháo” đang lan rộng. Trong khi EU chưa chắc chắc về cam kết cung cấp 1 triệu viện đạn cho Ukraine cho đến mùa xuân tới thì Nga được cho là đã tiếp nhận một lượng lớn đạn dược từ các quốc gia bên ngoài, đồng thời tăng cường sản xuất đạn dược trong nước.

Đánh mất lợi thế đối trọng với Nga

Mykyta – binh sỹ vận hành máy bay không người lái cho biết, lợi thế của Ukraine trong việc sử dụng máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công nhằm nỗ lực tạo thế đối trọng với lợi thế về đạn pháo của Nga giờ đã không còn nữa. Theo binh sỹ này, Nga đã thay đổi chiến thuật, có nguồn cung cấp máy bay không người lái ổn định và phát triển các đơn vị tác chiến điện tử hiệu quả, biến chiến trường thành "một ván cờ mà Ukraine hầu như không có hy vọng có thể chiếu tướng".

Phương Tây vẫn chưa bàn giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, còn Nga tiếp tục chiếm ưu thế trên không tại tuyền tuyến. Những quả bom dẫn đường chính xác cỡ lớn do máy bay Nga thả xuống, kết hợp với tên lửa và rocket, đang dần san phẳng các cứ điểm của Ukraine ở miền Đông.

Mykola Byelyeskov, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu liên kết với chính phủ Ukraine đánh giá: “Trọng tâm của vấn đề không nằm ở chiến lược mà nằm ở việc thiếu nguồn lực. Một cuộc tấn công theo kiểu cổ điển nằm ngoài khả năng của hai bên, nhưng rất nhiều chiến thuật mới có thể được áp dụng”.

Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, lượng viện trợ mới mà phương Tây cam kết dành cho Ukraine rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 8 đến 10/2023, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022. John Herbst, cự Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng: “Đây là thời điểm nguy hiểm nhất đối với Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Nếu sự hỗ trợ của chúng tôi giảm mạnh hoặc biến mất, Ukraine có nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến này”.

Kiev khó có cơ hội biến nguy thành cơ

Khi những vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ ngày càng trở nên nóng hơn trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11/2024, ông Herbst cho rằng, khả năng Quốc hội Mỹ thông qua một gói viện trợ khác cho Ukraine là điều rất khó xảy ra. “Ukraine có thể rất lo lắng và có lẽ chỉ dám sử dụng hạn chế thiết bị và vũ khí trong các trận chiến”, ông Herbst lưu ý.

"Điều may mắn cho Ukraine là đang vào mùa đông và không có nhiều hoạt động xảy ra trên chiến trường, nên việc tạm dừng viện trợ không gây thiệt hại nặng nề như thời điểm cách đây một năm", chuyên gia quân sự Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định. Song nhà phân tích này cho rằng, việc cắt giảm viện trợ sẽ khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn khi thực hiện các cuộc tấn công cục bộ, chứ chưa nói đến các cuộc tấn công quy mô lớn.

Ngay cả khi các gói viện trợ được thông qua, Ukraine vẫn có thể phải đối mặt với áp lực phải tìm kiếm một giải pháp thương lượng nếu nước này đạt được ít tiến bộ trong năm tới, ông Cancian nhấn mạnh.

"Sẽ rất khó cho Ukraine để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực. Ngay cả khi họ làm được điều này thì cái giá phải trả sẽ rất khủng khiếp. Nếu một năm nữa xung đột vẫn bế tắc, tôi cho rằng không chỉ riêng chính phủ Ukraine mà cả những nước ủng hộ cũng rất mệt mỏi. Thách thức mà Tổng thống Zelensky phải đối mặt là đưa ra lý thuyết về chiến thắng. Ông ấy không thể thuyết phục phương Tây vô thời hạn nếu không nói rõ quân đội Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này như thế nào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại