Thà đốt bỏ chứ không chịu công khai giảm giá hoặc hi sinh danh tiếng, đó là câu chuyện quen thuộc của những thương hiệu thời trang xa xỉ ta thường kể cho nhau.
Burberry, nhà mốt Anh sang trọng ra đời từ năm 1856, phân phối đa dạng từ thời trang, phụ kiện cho tới nước hoa và mỹ phẩm. Bên cạnh các thương hiệu đình đám thế giới, họa tiết kẻ sọc ô vuông (check pattern) đặc trưng của Burberry bị đạo nhái vô cùng ác liệt.
Đọc đến đây, có lẽ bạn thầm nghĩ: Để bảo vệ thương hiệu thì họ đốt hàng tồn (hoặc mở sale bí mật, rất hạn chế) là đúng rồi.
Thế nhưng, đây rõ ràng là hoạt động gây hại đến môi trường.
Elvis & Kresse, một thương hiệu thời trang bền vững cũng ở Anh, đang giúp Burberry hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bằng cách tái chế da thừa cũng như sản phẩm lỗi thay vì đốt bỏ như trước kia.
Tạm bỏ qua nguồn gốc, túi và phụ kiện thời trang tái chế của Elvis & Kresse vẫn rất cổ điện và tiện dụng. Đặc biệt, chúng kể một câu chuyện rất khác biệt.
Từ lâu, Elvis & Kresse đã dùng vật liệu tái chế như ống nước chữa cháy, vải dù... để gia công sản phẩm. Đến năm ngoái, hãng nhận được da thừa và sản phẩm lỗi từ nhà mốt xa xỉ nhất nhì Anh quốc - Burberry.
Vào ngày 6/9, Burberry tuyên bố sẽ không hủy hàng tồn nữa và điều đó có hiệu lực ngay sau thông báo. Động thái này được đưa ra sau khi các nhà đầu tư và người yêu môi trường "nổi đóa" khi biết rằng Burberry đã đốt số hàng tồn trị giá tới 37 triệu USD vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, Burberry còn cam kết không sử dụng lông thú thật trong các BST nữa (BST nào đã ra mắt, làm từ lông thú thật sẽ bị loại bỏ).
Marco Gobbetti, CEO của Burberry từ năm 2017
Marco Gobbetti, CEO mới của Burberry nói: "Sang trọng kiểu hiện đại vẫn phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường..." và khẳng định đó là niềm tin cốt lõi của họ.
Chất thải từ công nghiệp may mặc và trách nhiệm môi trường của nhà sản xuất, đang trở thành một trong những cuộc tranh luận gay gắt vài năm gần đây.
Theo Global Fashion Agenda forum and the Boston Consulting Group, hàng năm có khoảng 92 triệu tấn chất thải dệt từ sản xuất thời trang. Riêng tại Trung Quốc vào năm 2013, chất thải dệt trước và sau tiêu thụ ước tính khoảng 26 triệu tấn.
Tuyên bố của Burberry đã dẫn đến 2 kết quả tích cực: 1/5 lượng bông để gia công được mua từ Better Cotton Initiative, tổ chức từ thiện hỗ trợ người canh tác bông ở 21 quốc gia. Bên cạnh đó là mở trung tâm nghiên cứu nguyên liệu bền vững.
Do đó, Elvis & Kresse mới có cơ hội nhận được... 120 tấn da thừa (trong thời gian 5 năm) từ Burberry để tái chế thành sản phẩm thời trang, phụ kiện khác. Hơn thế nữa, một nửa lợi nhuận sẽ được quyên góp cho những hoạt động vì môi trường, tái sử dụng năng lượng.
Trong quá khứ, Elvis & Kresse từng gây tiếng vang lớn khi giúp lực lượng cứu hỏa London "giải tán" khoảng 170 tấn phế liệu, vòi dẫn nước... thành ví, thắt lưng, túi xách thay vì chôn lấp.
Tái chế cũng là việc đòi hỏi sự sáng tạo: Đội ngũ của Elvis & Kresse phải tìm cách tối ưu hóa những miếng da thừa bằng cách cắt chúng thành những mảnh nhỏ, có thể ráp lại với nhau thành miếng lớn hơn.
Cách làm này rất thú vị vì khách hàng có thể tùy chỉnh túi xách của mình theo ý thích. Đó mới là thứ thời trang bền vững của thế kỷ 21 mà cả thế giới nên hướng đến.